Rất nhiều người lên kế hoạch luyện tập thể thao cho mình vì lợi ích không thể phủ nhận của chúng nhưng lại thường không quan tâm đến mặt trái là các nguy cơ chấn thương. Lên một kế hoạch tập luyện bài bản, phù hợp với độ tuổi sinh học tự nhiên, sức khỏe nền tảng, tình trạng cơ thể hiện tại cùng nhu cầu cá nhân điều rất quan trọng, cần thiết.
Chúng ta biết rằng cơ thể thay đổi theo độ tuổi. Nhất là khi chúng ta già đi, sức mạnh cơ bắp, khối lượng cơ và sự cân bằng… đều sẽ bị giảm. Theo đó, tính linh hoạt, phạm vi chuyển động… cần được tính toán kỹ càng từ đó lựa chọn những bộ môn thể dục, thể thao và những bài tập cụ thể, phù hợp để rèn luyện hàng ngày.
Ở độ tuổi 20, bạn có thể tự tin, năng động trong suốt độ tuổi và coi thường việc giãn cơ đúng cách sau một buổi tập luyện. Tuy nhiên, khi bước vào độ tuổi 30, bạn có thể bắt đầu nhận thấy tình trạng đau nhức dữ dội hơn và thời gian phục hồi sau tập luyện lâu hơn sau mỗi buổi tập nặng. Các chuyên gia thể hình cho biết điều này là bình thường nhưng cũng là lời nhắc nhở nhẹ nhàng từ cơ thể. Từ đó, bạn sẽ phải lựa chọn các bài tập phù hợp để tăng tính linh hoạt, giảm đau nhức, phát huy khả năng di chuyển và kích hoạt các cơ thích hợp trong quá trình tập luyện.
Tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ, vào đến độ tuổi 30 là bắt đầu mất khối lượng cơ bắp một cách tự nhiên. Để chống lại sự suy giảm này, cần bổ sung các bài tập tăng cơ và rèn luyện sức mạnh thay vì chỉ tập trung vào tim mạch. Theo đó cần nhắm mục tiêu vào các phần cơ thể khác nhau và luân phiên tập trong suốt cả tuần.
Các bài tập squat kích hoạt cơ mông, cải thiện sức mạnh ở phía trước cơ thể (cơ tứ đầu), giữ thăng bằng ở mặt trước và mặt sau của cơ thể hay các bài tập vận động bao gồm các động tác đi bộ lunge, nâng gót chân và xoay cổ… là phù hợp. Đặc biệt phụ nữ ở độ tuổi 30 dễ bị kháng insulin do thay đổi quá trình trao đổi chất ở tuyến thượng thận và hormone tuyến giáp.
Để chống lại điều này, hãy đầu tư vào thói quen tập luyện tim mạch với các bộ môn như đạp xe đường trường, leo núi, các lớp đạp xe trong nhà, yoga, chạy bộ… Để luôn giữ cho nhịp tim tăng cao trong thời gian dài thì cần kết hợp các bộ môn này với bài tập luyện tim mạch.
Bước sang tuổi 40, nhiều người bắt đầu ít vận động. Ở độ tuổi này hầu hết mọi người đều bận rộn với công việc, gánh nặng trách nhiệm, tham vọng mục tiêu... Từ đó, thời gian dành cá nhân rất hạn chế, việc đến phòng tập kém khả thi. Để thích hợp, độ tuổi này nên sử dụng các bài tập kết hợp - tranh thủ khi "nhàn rỗi". Ví dụ như đi cầu thang bộ thay vì thang cuốn, đi bộ kéo dài trong giờ nghỉ trưa, tranh thủ xách đồ và đi bộ khi đi mua sắm (như cách tập tạ nhẹ) hoặc cùng chơi một số trò chơi nhỏ với lũ trẻ… đều là lời khuyên dễ thực hiện. Mục tiêu của độ tuổi này chỉ đơn giản là vận động càng nhiều càng tốt.
Sức khỏe khớp, chức năng khác và khả năng điều hòa tim mạch ở độ tuổi cũng bắt đầu suy giảm, khiến các nhóm cơ bị bó chặt gây ra các điểm đau trên cơ thể, hạn chế cử động… Các động tác nhảy, squat, inchworm (bài tập sâu đo)… sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng. Não và cơ thể độ tuổi 40 cũng trải qua một số thay đổi đáng kể như buồng trứng ngừng hoạt động, nồng độ progesterone, estrogen và testosterone bắt đầu giảm. Các bài tập thể dục gây áp lực cho cơ thể, căng cơ vốn được dung nạp tốt ở độ tuổi 20 và 30 thì ở độ tuổi này không còn phù hợp.
Các bài tập ít tác động như yoga, đi bộ đường dài, pilates, TRX, tạ ấm và nâng tạ mang lại sự cân bằng, có tác dụng làm dịu các hormone — vốn có khả năng bắt đầu hoạt động không ổn định — đồng thời hỗ trợ trường lực và sức mạnh cơ bắp rất hiệu quả…
Ở tuổi 50, khối lượng và mật độ xương giảm dần theo thời gian. Điều này khiến cơ thể dễ bị tổn thương hơn. Vì vậy, các bài tập thể dục nhịp điệu dưới nước, môn đi bộ trên đồi, dốc (ngắn) sẽ tốt với thể trạng. Phụ nữ sau mãn kinh cũng sẽ mất khối lượng cơ bắp, vì vậy việc tập trung vào vấn đề này sớm và nhất quán sẽ duy trì được sức mạnh và sức khỏe. Kết hợp đạp xe và đi bộ cũng sẽ đảm bảo bạn nhận được những lợi ích cần thiết về tim mạch để giữ cho trái tim khỏe mạnh.