Những sinh vật như ếch thủy tinh, sứa bất tử... phát triển ngoại hình độc đáo, siêu năng lực ấn tượng hay có một số thói quen kỳ lạ để tồn tại trước các kẻ thù trong quá trình tiến hoá.
Hình ảnh một con ếch thủy tinh. Ảnh: AFP.
1. Ếch "vô hình"
Hầu hết cơ quan nội tạng của các loài sinh vật đều ẩn dưới nhiều lớp bảo vệ như da, mô và xương. Nhưng loài ếch thủy tinh thì không như vậy. Loài lưỡng cư này đã tiến hóa để có làn da cực kỳ mỏng và mờ.
Nhìn một con ếch thủy tinh từ trên cao, bạn có thể không nhận thấy điều gì khác thường. Nhưng nếu lật nó lên, bạn sẽ thấy một trái tim nhỏ đang đập rất nhanh, một mạch máu dài màu đỏ và một đoạn ruột đang co bóp.
Theo nghiên cứu mới được công bố ngày 9.6, những con ếch này sống trong các khu rừng nhiệt đới ở Trung và Nam Mỹ, chúng dành phần lớn thời gian để đậu trên lá. Việc tiến hóa trở nên trong suốt sẽ giúp làm mờ đường viền cơ thể, khiến những kẻ săn mồi khó nhận ra hình dạng của chúng.
2. "Cá đi bộ" Mexico
Ambystoma mexicanum hay axolotls là sinh vật vô cùng kỳ lạ, những "con cá" này không chỉ có 6 sừng mà chúng còn có thể đi bộ với 4 chân. Khi bơi đến gần đáy hồ hoặc kênh, chúng sẽ giơ 4 chân ra từ hai bên để bò xung quanh.
Hình ảnh những con axolotls. Ảnh: AFP.
Axolotls được tìm thấy trong các hồ nước ở Mexico, có thể dài đến 30cm khi trưởng thành, thường ăn côn trùng nhỏ, nhuyễn thể và động vật giáp xác.
Theo một bài báo trên tạp chí Nature, mặc dù trông giống như những con cá, chúng thực sự là động vật lưỡng cư. Động vật lưỡng cư khi vừa được sinh ra sẽ có mang và sống ở dưới nước, còn khi trưởng thành, mang của chúng sẽ bị tiêu biến để sẵn sàng cho cuộc sống trên cạn. Nhưng khi axolotls trưởng thành, chúng vẫn còn mang và tiếp tục sống dưới nước, hiện tượng này được gọi là neoteny.
3. Cá đực mang thai
Theo Scientific American, cá ngựa, cá ống, rồng biển đều thuộc họ cá Syngnathidae. Đối với chúng, không phải chỉ con cái mới phải chịu đựng gánh nặng của thai kỳ.
Hình ảnh một con cá ngựa. Ảnh: AFP.
Thông thường, hoạt động sản xuất trứng của con cái tiêu tốn nhiều năng lượng hơn so với hoạt động sản xuất tinh trùng của con đực. Bằng cách chuyển giao nhiệm vụ mang trứng cho con đực, mức tiêu tốn năng lượng sẽ được chia sẻ đồng đều.
Cá ngựa và cá ống mang buồng trứng bên trong cơ thể và cung cấp chất dinh dưỡng qua mô. Còn buồng trứng của rồng biển chỉ dính vào đuôi của con đực.
4. Cá đèn lồng
Theo New Scientist, hoạt động giao phối của những con cá đèn lồng vô cùng "đáng sợ", con đực sẽ hoạt động giống như một loài ký sinh. Khi giao phối, con đực cắn con cái và hút chất dinh dưỡng của con cái bằng cách hút máu. Sau đó, con đực sẽ cung cấp các tế bào sinh sản khi đến thời điểm thích hợp.
5. Sứa bất tử
Sứa bất tử có tên khoa học là Turritopsis dohrnii, là một loài sứa biển trong họ Oceaniidae phân bố ở vùng biển Địa Trung Hải. Chúng được gọi là sứa bất tử do có khả năng đảo ngược vòng đời của mình.
Theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ, khi bị thương hoặc đối mặt với cái đói, loài sứa này sẽ thiết lập lại vòng đời của mình. Chúng quay ngược vòng đời từ trưởng thành trở lại thời kỳ sinh vật đơn bào và tiếp tục phát triển. Các nhà khoa học cho rằng loài sứa bất tử sử dụng một quá trình gọi là biến đổi gene để tạo ra kỳ tích trẻ hóa này.