Ngoài buồn nôn, sốt, nhiễm trùng, bệnh bạch cầu còn có thể gây chảy máu dưới da, phát ban, nấm.
Bệnh bạch cầu là một loại ung thư máu ảnh hưởng đến các tế bào máu và tủy xương. Khi mắc bệnh, các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng, hồng cầu và tiểu cầu bị các tế bào ung thư lấn át. Dưới đây là các tình trạng da do bệnh bạch cầu gây ra.
Chảy máu dưới da
Bệnh bạch cầu ảnh hưởng đến sản xuất tiểu cầu - tế bào máu có chức năng làm máu đông để cầm máu. Khi lượng tiểu cầu thấp, bệnh nhân thường bị chảy máu dưới da hoặc chấn thương nhẹ cũng gây ra tình trạng này.
Các mao mạch vỡ ra bên dưới da. Nếu không có đủ tiểu cầu để chặn các mao mạch bị tổn thương, máu chảy vào da. Ngoài đốm xuất huyết (các chấm đỏ trên da), vết này có thể xuất hiện dưới dạng ban xuất huyết (các vùng màu đỏ lớn hơn) hoặc vết bầm tím. Những đốm này thường mất vài tuần mới biến mất.
Bệnh bạch cầu ở da
Trong quá trình tiến triển của bệnh, các tế bào bạch cầu hình thành trong tủy xương có thể di chuyển vào các lớp da, dẫn đến tổn thương da. Tình trạng này trông giống như những vết sưng hoặc nốt sần cứng có màu từ nâu đỏ đến tím.
Viêm mạch
Các mạch máu và khu vực xung quanh mạch bị viêm, xuất hiện dưới dạng các đốm màu tím, đốm xuất huyết (các đốm nhỏ màu tím, nâu, đỏ) hoặc các tổn thương màu tím giống như mạng lưới phát triển trên da.
Người bệnh bạch cầu thường xuất hiện các tổn thương trên da. Ảnh: Freepik
Viêm nang lông
Bệnh bạch cầu ức chế sự phát triển của các tế bào bạch cầu trưởng thành, chống nhiễm trùng nên cơ thể dễ bị nhiễm trùng da hơn nhiều. Nhiễm trùng phổ biến là viêm nang lông, xảy ra do nhiễm vi khuẩn hoặc nấm. Liệu pháp kháng khuẩn hoặc kháng nấm thích hợp (kem bôi, thuốc uống) thường được điều trị viêm nang lông.
Bệnh nấm ngoài da
Đây là một bệnh nhiễm nấm xuất hiện dưới dạng các mảng màu trắng, hồng, đỏ hoặc nâu trên da. Bệnh thường thấy nhất ở cổ, ngực, lưng và cánh tay.
Phát ban trên da
Phản ứng dị ứng phổ biến với thuốc điều trị bệnh bạch cầu dẫn đến phát ban trên da giống như bệnh sởi. Tình trạng này thường hình thành 7-10 ngày sau khi dùng thuốc lần đầu tiên.
Phát ban do hóa trị
Bệnh bạch cầu thường phải hóa trị, tác dụng phụ có thể gây phát ban. Phát ban do hóa trị giống như mụn trứng cá, thường xuất hiện trên mặt, da đầu, cổ, ngực và lưng. Tình trạng này gây ra các triệu chứng như đau, kích ứng, nóng rát và châm chích.
Hội chứng Sweet
Người bệnh bạch cầu có hệ thống miễn dịch bị suy yếu, có thể phát triển tình trạng da ít gặp là hội chứng Sweet. Bệnh nhân xuất hiện các vết sưng hoặc mảng màu hồng, trông giống như vết côn trùng cắn do các tế bào bạch cầu trung tính bị viêm xâm nhập vào da. Ngoài phát ban, người bệnh có thể bị sốt hoặc ớn lạnh.