Tại Việt Nam, ung thư phổi là căn bệnh ác tính với tỷ lệ người mắc mới và tử vong cao.
Ung thư phổi là tình trạng tăng trưởng không kiểm soát của các tế bào bất thường ở một hoặc cả hai phổi, thường là các tế bào thuộc lớp niêm mạc của đường thở. Những tế bào bất thường này không phát triển thành mô phổi khỏe mạnh mà phân chia nhanh chóng và hình thành các u gây cản trở chức năng phổi.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết hằng năm, bệnh viện điều trị và phẫu thuật khoảng 300-400 ca ung thư phổi. PGS.TS Phạm Hữu Lư, Phó Trưởng khoa Ngoại Tim mạch và Lồng Ngực, Bệnh viện Việt Đức, cho biết ung thư phổi được chia làm hai loại: ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Trong đó, ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm 80 - 85% tổng số trường hợp mắc bệnh. Ung thư phổi tế bào nhỏ chiếm khoảng 15 - 20% các trường hợp.
Theo PGS Phạm Hữu Lư, ung thư phổi thường không có triệu chứng điển hình ở giai đoạn sớm. Do vậy, bệnh thường dễ bị bỏ qua, chỉ khi bệnh tiến triển tới giai đoạn muộn, có triệu chứng rõ ràng, bệnh nhân mới đi khám.
Theo các nghiên cứu, chỉ có khoảng 30% bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ được chẩn đoán ở giai đoạn sớm (giai đoạn I, II) và 70% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn (giai đoạn III, IV). Vì vậy, dù đã có nhiều bước tiến trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi, ung thư phổi vẫn có tiên lượng xấu và tỉ lệ sống thêm 5 năm thấp.
PGS.TS Phạm Hữu Lư cho hay hiện nay, điều trị ung thư phổi là điều trị đa mô thức, bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và điều trị đích. Với bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, phẫu thuật là biện pháp lựa chọn hàng đầu, cho kết quả điều trị tốt với tỉ lệ sống thêm sau 5 năm đạt 50 - 70%.
Dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi
ThS. Nguyễn Xuân Vinh, Điều dưỡng Trưởng Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực (Bệnh viện Việt Đức), cho biết bệnh nhân ung thư phổi thường có triệu chứng ho kéo dài, ho có đờm hoặc máu; đau ngực trầm trọng hơn khi thở sâu, cười hoặc ho; khàn tiếng; hụt hơi; thở khò khè; suy nhược và mệt mỏi; chán ăn dẫn đến sụt cân.
Ở giai đoạn đầu, người bệnh cũng có thể bị nhiễm trùng đường hô hấp tái phát như viêm phổi hoặc viêm phế quản kèm theo. Khi khối u lan rộng, một loạt triệu chứng khác sẽ xuất hiện, phụ thuộc vào vị trí khối u hình thành.
Nguyên nhân gây ung thư phổi
Bất kỳ ai cũng có thể có nguy cơ mắc bệnh, nhưng 90% các trường hợp ung thư phổi cấp tính là do hút thuốc.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), những người hút thuốc lá có khả năng mắc u hô hấp cao gấp 15 - 30 lần so với những người không hút. Ngay cả khi không hút thuốc, nguy cơ cũng sẽ tăng lên nếu tiếp xúc với khói thuốc thường xuyên (hút thuốc thụ động).
Khói thuốc lá gây ra tổn thương mô phổi. Phổi có thể sửa chữa những tổn thương này, nhưng việc hít khói thuốc mỗi ngày sẽ dần dần khiến nó mất đi khả năng tự chữa lành tổn thương. Một khi các tế bào phổi bị tổn thương, chúng sẽ bắt đầu hoạt động một cách bất thường, làm tăng khả năng phát triển khối u ác tính ở đường hô hấp.
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến khối u ở vùng phổi là người bệnh tiếp xúc với radon - một loại khí phóng xạ tồn tại trong tự nhiên. Radon xâm nhập vào các tòa nhà thông qua những vết nứt nhỏ trên nền móng. Những người vừa hút thuốc lá vừa tiếp xúc với khí radon có nguy cơ bị ung thư rất cao.
Thứ ba, việc hít thở các chất độc hại khác trong thời gian dài sẽ dẫn đến xơ phổi. Nguy cơ mắc khối u ác tính của bạn sẽ tăng gấp 7 lần nếu hiện tượng phổi bị xơ hóa tiến triển. Một số chất được coi là tác nhân gây bệnh là silic, amiăng, thạch tín, cadimi, crom, niken, uranium…
Thứ tư, các đột biến gen di truyền cũng làm tăng nguy cơ u ác tính. Nguy cơ này tăng lên nếu người mắc bệnh là người nghiện thuốc lá hoặc tiếp xúc với các chất gây u ác tính khác.
VietBF@ Sưu tập