WHO cho biết EG.5 dường như dễ lây truyền hơn các biến chủng khác, nhưng chưa có bằng chứng cho thấy nó gây các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố EG.5 (còn gọi Eris) là biến chủng đáng quan tâm, yêu cầu các quốc gia tiếp tục theo dõi khi số ca nhiễm tăng trên toàn cầu. EG.5 xuất hiện tại 51 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Australia, Singapore, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
EG.5 là gì và tại sao nó được gọi là Eris?
Theo WHO, EG.5 được phát hiện ở Trung Quốc vào tháng 2, sau đó lan sang Mỹ vào tháng 4. Kể từ lần đầu xuất hiện, nCoV liên tục phát triển, biến đổi hình dạng và trở nên khác biệt. EG.5 là một nhánh của Omicron, tiến hóa sau biến chủng XBB.1.9.2.
Nó có tên gọi khác là Eris, theo một nữ thần trong thần thoại Hy Lạp. Tên gọi không chính thức này xuất phát từ quy ước của WHO về việc sử dụng chữ cái Hy Lạp gán cho các biến chủng chính. Hệ thống đặt tên này ra đời sau khi các chuyên gia nêu quan điểm tên khoa học của biến chủng thường rất dài và khó nhớ.
Trong báo cáo mới nhất, WHO cho biết EG.5 đang phát triển thêm phiên bản mới là EG.5.1. Theo Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA), EG.5.1 hiện chiếm khoảng 14% số ca nhiễm nước này. Tiến sĩ Meera Chand, phó giám đốc UKHSA, cho biết bà không bất ngờ khi thấy các biến chủng mới xuất hiện.
"EG.5.1 được chỉ định là một biến chủng mới vào ngày 31/7 do phát triển liên tục trên toàn thế giới. Điều này cho phép chúng tôi quan sát nó thông qua các phương pháp kiểm soát Covid-19", bà nói.
Các ca mắc EG.5 cũng đang tăng ở Mỹ, từng bước trở thành biến chủng chiếm ưu thế.
Mô phỏng nCoV với phần gai protein bên ngoài. Ảnh: Public Health
EG.5 có nguy hiểm hơn các biến chủng trước đây?
Dựa trên bằng chứng hiện có, WHO cho biết chưa có dấu hiệu nào cho thấy EG.5 gây triệu chứng nặng, rủi ro cao hơn các phiên bản khác của Omicron. WHO thông báo "nguy cơ sức khỏe cộng đồng do EG.5 gây ra được đánh giá thấp ở cấp độ toàn cầu".
"Đúng là số ca nhiễm có gia tăng, nhưng tình hình không khác biệt so với các biến chủng đã lưu hành ở Mỹ trong ba đến 4 tháng qua. Vì vậy, tôi không quá lo lắng về EG.5 ở thời điểm này", Andrew Pekosz, giáo sư về vi sinh học phân tử và miễn dịch học tại Johns Hopkins, nhận định.
Một số thử nghiệm cho thấy EG.5 trốn tránh miễn dịch hiệu quả hơn các biến chủng đang lưu hành, song điều này không cho thấy nó gây bệnh nghiêm trọng.
Ở Anh, số người nhập viện tăng nhẹ trong những tuần gần đây, đặc biệt là những người trên 85 tuổi. Tuy nhiên, chuyên gia cho biết con số này vẫn thấp hơn các đợt bùng phát trước đó. Hiện số ca nhiễm nặng trong khu hồi sức tích cực không tăng.
Các chuyên gia khắp thế giới sẽ tiếp tục theo dõi các biến chủng phụ và đánh giá tác động của nó, đặc biệt khi trường học mở cửa trở lại.
Các triệu chứng của EG.5
Vì là phiên bản phụ của Omicron, EG.5 mang đầy đủ đặc điểm của biến chủng này. Theo các chuyên gia, hiện chưa có bằng chứng cho thấy nó gây ra bất cứ triệu chứng mới nào. Các biểu hiện điển hình gồm sốt, ho liên tục, thay đổi vị giác hoặc khứu giác, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng.
Bảo vệ bản thân trước EG.5
Giống với các biến chủng khác của nCoV, nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng chủ yếu tập trung ở người cao tuổi. Các quan chức của UKHSA cho biết tiêm chủng vẫn là biện pháp bảo vệ bản thân tốt nhất trước các làn sóng Covid-19 trong tương lai. Những người dễ bị tổn thương khi có các triệu chứng cần đi xét nghiệm ngay để sớm được điều trị bằng thuốc kháng virus như Paxlovid, giúp giảm nguy cơ nhập viện và tử vong.
Kể từ tháng 6, giới chức y tế Mỹ và các nhà sản xuất thuốc bắt đầu xin cấp phép vaccine Covid-19 thế hệ tiếp theo, nhắm vào các biến chủng phụ của Omicron. Chuyên gia cho biết vaccine có thể ngăn ngừa cả EG.5.
VietBF@sưu tập