Ra Tết được mấy ngày, khi bọn trẻ chuẩn bị khăn gói quả mướp quay về thành phố kiếm sống, theo thông lệ Bọ lại vào rừng từ sáng sớm đến tối mịt mới về.
Chủ tịch và bí thư xã đang “hóng” thấy Bọ phăm phăm bước vào nhà, nụ cười rạng rỡ họ đoán có tin vui.
![](https://www.vietbf.com/forum/attachment.php?attachmentid=2256433&stc=1&d=1691954556)
Sáng hôm sau ban lãnh đạo xã gồm, cán bộ chủ chốt trong đảng ủy, ủy ban, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh, mặt trận tổ quốc được triệu tập họp bất thường, không phát oang oang mời trên loa vì yếu tố bí mật.
Tan họp, mọi người tản về nhanh triển khai nội dung đã được bí thư và chủ tịch xã quán triệt.
Về phần Bọ, sau khi trao đổi với bí thư, chủ tịch xã, tiễn họ ra cổng, Bọ quay vào nhà ghé tai hai thằng con trai và đứa con rể đang chuẩn bị sáng mai ra Hà Nội, rồi mới yên tâm ăn tối, lên giường.
Bọn trẻ trong xã về ăn Tết đi hết, xóm làng trở lại buồn tẻ.
Bây giờ lên rừng, lên nương toàn đám phụ nữ với người già… lấy củi, lấy lá về nuôi hươu, nuôi bò… chẳng mấy nhà trồng ngô trồng sắn, trồng lạc… Công, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ mất nhiều tiền hơn đi mua, làm nương làm ruộng cho đỡ buồn chứ ăn thua gì… ruộng, nương ngày càng hoang hoá… chẳng ai muốn làm nông, làm rừng…
Cuối tháng 5 âm lịch năm ấy, cơn bão đầu tiên đổ bộ vào các tỉnh sát biên giới Trung Quốc … sau đó bão liên tục vào Bắc Bộ, rồi miền Trung, cả miền Trung mưa trắng rừng, trắng núi… lũ lụt, lũ ống, lũ quét khắp nơi …
Thảm họa thiên nhiên Miền Trung được báo đài đưa tin không những làm cả nước, mà cả thế giới xúc động.
Khẩu hiệu “tất cả vì miền Trung lũ lụt” được truyền thông phát hết ngày này đến ngày khác, kêu gọi sự ủng hộ giúp đỡ về vật chất, tiền bạc cho Miền Trung đói nghèo khắc phục thiên tai, thảm họa.
Cơn bão cuối cùng đổ vào miền Trung được một tháng, xã tổ chức họp thành phần mở rộng, lần này không bí mật nữa, được mời công khai trên loa của xã, trên nền bản nhạc “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.
Nội dung buổi họp là “Tổng kết thành tích và rút kinh nghiệm chống lũ lụt trong mùa mưa bão” vui nhất có cả liên hoan “đánh chén”.
Thay mặt lãnh đạo xã, Chủ tịch xã đọc báo cáo tổng kết:
Những nhà bị hư hại sẽ được cấp tiền xây nhà kiên cố.
Gạo, mỳ ăn liền đủ dùng cho cả năm, ngoài ra sẽ xây thêm hai lớp học mẫu giáo, đủ tiền cung cấp tiền học, tiền sách giáo khoa cho các cháu đi học, và quần áo rét cho các cụ trong vài mùa đông nữa…
Tiền, bạc vật chất này là sự ủng hộ của đồng bào cả nước, của hải ngoại và quốc tế, nhưng trên hết nó là công sức của toàn thể già trẻ gái trai, cán bộ, nhân dân xã…
Đến đây Chủ tịch xã dừng lại và xúc động:
- Đặc biệt là trí tuệ của một người đó là Bọ Tình.
Tiếng vỗ tay vang lên rào rào… một cụ cao hứng hô “Bọ Tình muôn năm” cả hội nghị hò theo đồng thanh ba lần “Bọ Tình muôn năm”.
Tại sao Bọ Tình lại được cả xã ngưỡng mộ, vinh danh như thế?
Chuyện là thế này.
Mấy năm liền bão ít vào miền Trung, lãnh đạo xã đi ra đi vào thấp thỏm, họ qua nhà Bọ Tình hỏi “Năm nay có bão vào không hầy?”
Bọ Tình nói:
- Không có bão vào thì chết đói, bọn trẻ lại phải ra tỉnh ngoài kiếm ăn đến khổ, để mai Bọ vào rừng xem sao, mới trả lời được.
Bọ vào rừng thấy năm đó măng tre, măng nứa, măng mai mọc hết giữa bụi, không như mấy năm trước nó mọc bên ngoài.
Ong và chim làm tổ ngay dưới các gốc cây lớn… rồi nhiều thứ nữa, Bọ tin chắc năm này mùa mưa bão sẽ rất lớn và nhiều.
Ngay đêm đó Bọ bàn với Bí thư và Chủ tịch xã một kế hoạch chiến lược.
Đầu tháng sáu âm lịch, các con em trong xã đi làm xa ở đâu cũng phải quay về, chúng sẽ được bố trí mặc quần áo đoàn thanh niên ra ngoài quốc lộ số 1 để dẫn các đoàn cứu trợ, từ thiện về xã… phải đón từ xa, dẫn về tận nơi, chứ đợi họ vào thì có ăn cám. Các xã khác bên ngoài nó vợt hết.
Các cụ già yếu tập trung ra hội trường để các bạn ngành, cơ quan trung ương, ngoại tỉnh phát tiền, quay phim chụp ảnh cho họ đem về báo cáo thành tích, tuyên truyền… nội dung này được in thành tờ rơi cho bọn trẻ đưa cho các đoàn từ thiện, cứu trợ ngoài đường quốc lộ.
Các gia đình liệt sĩ, có công, các thương binh, cựu chiến binh… ăn mặc chỉnh tề, đeo huân, huy chương đợi sẵn ở nhà để các lãnh đạo, các đoàn đến trao quà, tiền theo danh sách… chụp ảnh, ghi hình
Phụ nữ và những người khác còn sức lao động lo hội trường, nước nôi, loa đài, bãi đỗ xe, bốc vác cất hàng cứu trợ vào kho…
Các cán bộ xã được phân công đón tiếp đón, tiễn đưa khách, ghi chép số liệu… công khai minh bạch, sau này thu lại đưa vào công quỹ…
Mọi việc được triển khai một cách bí mật để các xã khác không biết, yếu tố bí mật cũng đóng góp cho thắng lợi của đợt bão lũ vừa qua, cần được phát huy cho những năm kế tiếp.
Một mùa mưa bão, nếu biết tổ chức nhận hàng cứu trợ, từ thiện thu nhập gấp mấy lần, bằng mấy năm đi làm xa, làm nông nghiệp.
Nên đến đầu năm lãnh đạo xã lại hóng: Không biết năm nay bão có vào không hầy?