7/18
Toàn quốc có gần 19.000 công chức, viên chức thôi việc từ tháng 7/2022 đến hết 6/2023, tập trung nhiều nhất tại Hà Nội, TP HCM, theo báo cáo của Bộ Nội vụ.
Theo tổng hợp của Bộ Nội vụ ngày 19/7, một năm qua bình quân mỗi tháng có 1.582 công chức, viên chức thôi việc, trong khi giai đoạn từ tháng 1/2020 đến 6/2022 bình quân mỗi tháng có 1.318 người. Như vậy, số người thôi việc cơ quan nhà nước giai đoạn gần đây tăng gần 260 người mỗi tháng so với trước.
Trong số người thôi việc có 1.967 công chức, còn lại là viên chức, tập trung chủ yếu ở các địa phương. Viên chức thôi việc nhiều nhất ở lĩnh vực giáo dục, sau đó đến y tế.
Số người thôi việc chủ yếu dưới 50 tuổi, gần một nửa số đó có trình độ đại học, 16% là thạc sĩ.
Cán bộ làm thủ tục hành chính tại UBND TP Thủ Đức, TP HCM, tháng 8/2022. Ảnh: Quỳnh Trần
Các địa phương có số người thôi việc cơ quan nhà nước nhiều nhất là Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Tiền Giang.
Để thay thế số người thôi việc, các bộ ngành, địa phương đã tuyển mới gần 65.000 công chức, viên chức, chủ yếu ở lĩnh vực giáo dục, y tế.
Tình trạng nhiều công chức, viên chức rời bỏ cơ quan nhà nước diễn ra từ năm 2020 đến nay và có xu hướng tăng, dù các cơ quan đã đưa ra nhiều giải pháp.
Từ đầu năm 2020 đến giữa 2022, toàn quốc có 39.500 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển sang khu vực tư.
Như vậy, trong ba năm rưỡi qua, toàn quốc có 58.500 người thôi việc cơ quan nhà nước.
Hồi tháng 10/2022, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nêu trên bởi tiền lương của cán bộ, công chức vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu thiết yếu cuộc sống. Việc thu hút đội ngũ chuyên gia cũng chưa được làm tốt, nên nhiều người có kiến thức, trình độ chuyên môn giỏi đã lựa chọn ra khu vực tư với chính sách tốt hơn.
Hơn nữa, tinh giản biên chế khiến khối lượng công việc tăng thêm, tạo thêm áp lực cho những người làm khu vực công.
|