Số tiền phải trả trên hóa đơn tiền điện gia đình khiến người phụ nữ giật mình, bởi tính ra thời gian ở nhà và sử dụng các thiết bị của chị khá ít.
Hiện nay, loạt thiết bị, đồ gia dụng điện tử được coi là những thứ thiết yếu, không thể thiếu trong mọi gia đình. Chúng giúp tiết kiệm thời gian, công sức và hỗ trợ con người trong nhiều khía cạnh cuộc sống. Có thể kể tới như nồi cơm điện giúp nấu cơm ngon hơn, nhanh hơn, đảm bảo hơn, bếp từ, bếp điện đem lại sự an toàn, mạng internet, ti vi, máy tính, phục vụ làm việc và giải trí, tủ lạnh giúp lưu trữ thực phẩm lâu hơn, tươi hơn hay quạt điện, điều hòa, giúp "đánh bay" cơn nóng bức trong những ngày hè...
Tuy nhiên, việc sử dụng càng nhiều thiết bị điện trong nhà đồng nghĩa với việc tiền điện mỗi tháng của gia đình sẽ càng cao, đặc biệt là vào những ngày hè cao điểm, loạt thiết bị như quạt và điều hòa luôn hoạt động hết công suất.
Mới đây, chị Minh Nguyệt, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, đã chia sẻ câu chuyện trớ trêu của gia đình mình về vấn đề tiền điện mùa hè. Chị cho biết, gia đình chị vốn có 3 người, nhưng hiện tại chồng chị đang đi công tác, giờ chỉ có 2 mẹ con. Con trai chị do nghỉ hè nên chị thường gửi bên nhà ông bà ngoại cả ngày.
Khoảng 18h mỗi ngày, khi đi làm về, chị Nguyệt mới đón bé và 2 mẹ con cùng về nhà. Tính ra một ngày có 24 tiếng, gia đình 2 người của chị chỉ sinh hoạt tại nhà từ 19h00 đến 7h00 sáng hôm sau, tức là khoảng nửa ngày. Thế nhưng cuối tháng, hóa đơn tiền điện vẫn khiến chị giật mình khi lên tới gần 1 triệu đồng.
"Khi ở nhà thì nhà mình chỉ sử dụng ti vi và một chiếc điều hòa trong phòng ngủ, bật từ khoảng 9 giờ tối tới 5h sáng là nhiều nhất. Bình thường nhà mình 3 người nên không để ý, nhưng giờ còn mỗi 2 mẹ con nên mới thấy khá bất thường", chị Nguyệt nói thêm.
Vì sao không ở nhà mà vẫn tốn điện?
Trên thực tế, việc gia chủ không thường xuyên ở nhà nhưng hóa đơn tiền điện vẫn đạt con số cao bất thường là không hiếm gặp. Các chuyên gia cho biết, trường hợp này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, phổ biến nhất là gia đình có nhiều nhiều thiết bị vẫn chạy ngầm và loạt thiết bị điện trong nhà đã quá cũ hoặc không được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên, dẫn tới chất lượng hoạt động giảm, từ đó cũng gây tốn điện hơn.
1. Loạt thiết bị "nằm không" vẫn tiêu thụ điện trong nhà
Trang Trulia.com thuộc một công ty chuyên về các dịch vụ nhà ở cho biết, ngay cả khi không được bật và sử dụng, song việc vẫn cắm điện các thiết bị vẫn làm chúng tiêu thụ điện năng. Nhiều chuyên gia cũng ước tính rằng, trung bình mỗi hộ gia đình có khoảng 40 thiết bị sử dụng điện liên tục, và khi không sử dụng, việc chỉ tắt chúng bằng điều khiển từ xa hay công tắc thôi là chưa đủ bởi chúng vẫn có thể chạy chương trình ngầm ở chế độ chờ, từ đó vẫn tiêu tốn một lượng điện nhất định.
Chính vì vậy, với từng loại thiết bị khác nhau, người dùng tốt hơn hết nên có các phương pháp ngắt điện hoàn toàn khác nhau. Tờ USAToday nhấn mạnh, hành động này còn đặc biệt quan trọng và giúp bảo vệ ngôi nhà của bạn khỏi những trường hợp chập cháy do điện bất thường.
Nên rút điện các thiết bị điện khi ra khỏi nhà trong thời gian dài (Ảnh minh họa)
Ví dụ về loạt thiết bị "nằm không" nhưng vẫn gây tốn điện có thể kể tới là bộ phát wifi, các thiết bị nhà bếp hay hệ thống phục vụ giải trí, các loại sạc hay máy giặt, quạt máy và điều hòa.
Với bộ phát Wifi, theo thông tin từ Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng VNEEP, thuộc Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, nó có thể tiêu tốn 20W/tháng, tính trung bình là hơn 6W/ngày.
Với ti vi hay máy tính, con số điện năng tiêu thụ ngay cả khi đã tắt vào khoảng 24W/ngày. Còn với các loại dây sạc điện thoại, khi cắm điện dù không cắm vào thiết bị, nguồn điện vẫn đi theo đường dây đi ra ngoài và lãng phí khoảng 1,2W điện/ngày và thậm chí lên tới 96W điện/ngày với sạc máy tính, laptop.
Chính vì vậy, tốt hơn hết người dùng nên kiểm tra các thiết bị điện trong nhà mình trước khi ra khỏi nhà. Các thiết bị sử dụng dây điện thì nên tắt bằng điều khiển, công tắc sau đó rút dây điện ra. Còn thiết bị nào được nối dây ngầm thì hãy tắt aptomat. Riêng với tủ lạnh, đảm nhiệm vai trò bảo quản, lưu trữ thực phẩm thì không nên rút điện.
2. Thiết bị điện trong nhà quá cũ hoặc không được bảo dưỡng thường xuyên
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng chỉ ra, ngay cả khi những thiết bị điện trong nhà không được sử dụng nhiều, song chúng quá cũ hoặc không được bảo dưỡng, thì khi hoạt động, sẽ tiêu tốn nhiều điện năng hơn bình thường.
Ví dụ cũng được EVN đưa ra là một gia đình ở Hà Nội. Sau khi thay thế loạt thiết bị điện cũ trong nhà như chiếc ti vi màn hình lồi thành tivi màn hình LED, chiếc tủ lạnh nhập bãi thành tủ lạnh inverter, chiếc điều hòa công suất cao bằng chiếc mới phù hợp hơn với diện tích phòng..., tiền điện nhà người này đã giảm tương đối.
Theo PGS.TS Lê Văn Doanh, nguyên Trưởng khoa Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, việc thay thế các thiết bị điện cũ bằng các thiết bị mới, dù lúc đầu phải đầu tư tiền tương đối lớn nhưng sẽ nhận được hiệu quả về lâu dài. Theo các đánh giá, khi thay các thiết bị công nghệ cũ bằng công nghệ mới, tùy từng loại có thể tiết kiệm từ 20 - 60% điện năng.
PGS.TS cũng giải thích thêm: "Trong khi công nghệ cũ đòi hỏi động cơ luôn phải đạt công suất cực đại thì công nghệ mới cho phép động cơ dừng, giảm công suất khi không dùng hoặc nhu cầu dùng thấp hơn. Ngoài ra, các ứng dụng về vật liệu mới cho phép giảm tổn thất điện năng, bảo vệ sức khoẻ".
Ngoài ra, người dùng cũng nên vệ sinh, bảo dưỡng các thiết bị thường xuyên để thiết bị luôn đảm bảo hoạt động tốt, không gây lãng phí điện năng.
Bên cạnh 2 yếu tố chính trên, khiến gia đình dù sử dụng ít thiết bị nhưng vẫn tiêu tốn nhiều điện năng, khi chọn mua các thiết bị mới, người mua hãy để ý thêm chi tiết nhãn năng lượng của sản phẩm. Nên ưu tiên những sản phẩm có nhãn năng lượng nhiều sao, đạt tiêu chuẩn năng lượng.
VietBF@Sưu tầm