Hào hứng với phát hiện mới lạ, lão nông gọi hàng xóm đến chiêm ngưỡng hai hòn đá, họ đều tấm tắc khen ngợi và nói rằng ông đã tìm được báu vật.
Câu chuyện này xảy ra ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc).
Được biết, mặc dù Tứ Xuyên mệnh danh là vùng đất của sự trù phú và hiện đại, nhưng “núi liền núi, nước liền nước”, nhiều người thuộc thế hệ cũ vẫn kiếm sống nhờ sản vật của núi rừng. Vì vậy, nhiều người thích lên núi đào măng khi rảnh rỗi, hoặc tự ăn, hoặc mang đi bán lấy tiền.
Một ngày nọ, một lão nông lên núi Phượng Hoàng ở huyện Tây Sung (Nam Sung, Tứ Xuyên) đào măng như thường lệ. Thế nhưng lần này lại khác, ông lão vô tình đào trúng vật gì đó rất cứng, vạch đất ra mới phát hiện là hai hòn đá hình quả trứng và có màu như máu. Ông lão chỉ nghĩ đây là hai viên đá đỏ bình thường, trông khá bắt mắt nên quyết định mang về nhà trưng.
Về đến nhà, lão nông đem rửa sạch măng và hòn đá. Lúc này ông mới phát hiện hai hòn đá có vẻ khác thường, không chỉ thân tròn nhẵn óng ánh mà khi đặt dưới ánh mặt trời, “bên trong còn có máu”. Vệt đỏ không phải phủ khắp bề mặt hòn đá mà loang lổ như thể máu nhỏ giọt vô tình dính lên hòn đá hình trứng màu trắng.
Hào hứng với phát hiện mới lạ, lão nông gọi hàng xóm đến chiêm ngưỡng hai hòn đá, họ đều tấm tắc khen ngợi và nói rằng ông đã tìm được báu vật.
Tin tức tự nhiên lan truyền nhanh chóng, chẳng mấy chốc đã đến tai các chuyên gia khảo cổ, nhà và một số người sưu tập đá quý. Ngôi làng nhỏ gần núi vốn yên tĩnh nay vì tin tức “cặp đá kỳ lạ” mà trở nên nhộn nhịp hẳn lên, dòng người liên tục đến nhà lão nông đòi xem hai hòn đá. Do đó ông quyết định cho đá vào hộp cất giữ, không tiếp tục cho người khác xem. Chỉ riêng các chuyên gia là ngoại lệ.
Chuyên gia kiểm tra thì nhận định cặp đá này có lẽ thuộc về Trương Hiến Trung, thủ lĩnh nông dân vào cuối thời nhà Minh.
Sở dĩ các chuyên gia đưa ra kết luận này chủ yếu vì những lý do sau:
1. Hai hòn đá hình trứng mang màu đỏ như máu này chính là đá huyết kê quý giá. Có thể tác động mài mòn theo năm tháng và môi trường nên chúng mới có hình dạng bầu dục như quả trứng.
Cặp đá này hầu như không có một chút tì vết, màu sắc sáng bóng không cần mài giũa gia công. Điều đặc biệt hơn cả là hai hòn đá kích thước và hình dạng tương tự nhau, mà lại cùng được tìm thấy dưới cũng chỗ dưới gốc măng trong rừng.
2. Đá huyết kê được coi là bảo vật từ thời nhà Tần, nhưng giá trị nhất phải kể đến thời nhà Minh và nhà Thanh. Một số loại đá huyết kê quý giá hơn còn được dùng làm ấn tín cho quý tộc và hoàng tộc. Vào thời nhà Minh-Thanh, đá huyết kê quý giá chỉ đứng sau vàng và ngọc.
Đồng thời, kiểu đá huyết kê hình trứng rất phổ biến vào thời nhà Minh. Tức là cặp đá mà lão nông tìm được có lẽ thuộc về một nhân vật nổi tiếng thời nhà Minh.
3. Vì sự quý giá của đá huyết kê, kết hợp với các ghi chép lịch sử, Trương Hiến Trung là nhân vật nổi bật nhất ở vùng Tứ Xuyên vào thời nhà Minh, nơi Trương Hiến Trung tử trận tình cờ lại là núi Phượng Hoàng ở huyện Tây Sung, nên chuyên gia mới đưa ra giả thuyết cặp đá của lão nông từng thuộc về nhân vật lịch sử này.
Hơn nữa, cho dù cặp đá này không thuộc về Trương Hiến Trung, nhưng nếu xét về giá trị thành tiền thì cũng là con số không hề nhỏ.
Chuyên gia xác định cặp đá huyết kê của lão nông từ có giá trị lớn ở cả phương diện đá quý và lịch sử. Để tránh việc cặp đá quý giá này rơi vào tay người không biết quý trọng, họ đã quyết định chi ra 800.000 NDT (hơn 2,6 tỷ đồng) để mua lại.
Tuy nhiên, quyết định của lão nông lại khiến các chuyên gia kính nể bội phần. Ông đã từ chối bán cặp đá, ngược lại nói: “Nếu là đồ vật từ thời nhà Minh thì nhất định phải là di vật văn hóa, mà đã là di vật văn hóa lịch sử thì chỉ có thể thuộc về quốc gia. Các anh có thể mang đi, tôi không cần tiền”.
VietBF@Sưu tầm