Mức đường huyết lúc đói dưới 70 mg/dL là hạ đường huyết, trong khi tăng đường huyết là trên 130 mg/dL và cả hai tình trạng này kéo dài đều gây biến chứng.
Lượng đường trong máu thay đổi, dù giảm hay tăng đột biến đều có thể gây ra các triệu chứng và biến chứng. Hạ và tăng đường huyết phổ biến ở người tiểu đường nhưng cũng có thể xảy ra ở người không mắc bệnh này.
Nguyên nhân và các yếu tố rủi ro
Tăng đường huyết xảy ra khi cơ thể có quá ít insulin (hormone vận chuyển glucose vào máu) hoặc không thể sử dụng insulin đúng cách như trong trường hợp mắc bệnh tiểu đường type 2. Nguyên nhân gây tăng đường huyết ở người mắc bệnh tiểu đường như lượng insulin hoặc thuốc trị tiểu đường uống đang dùng không đủ, lượng carbohydrate ăn uống không cân bằng với lượng insulin mà cơ thể có thể tạo ra hoặc người bệnh tiêm. Ngoài ra, lượng đường trong máu của người bệnh tăng còn có thể do ít hoạt động hơn bình thường, căng thẳng, đang dùng steroid, hiện tượng bình minh (sự gia tăng hormone mà cơ thể sản xuất hàng ngày vào khoảng 4-5 giờ).
Các nguyên nhân khác có thể gây tăng đường huyết bao gồm hội chứng Cushing gây kháng insulin; các bệnh về tuyến tụy chẳng hạn viêm tụy, ung thư tuyến tụy và xơ nang; một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu; tiểu đường thai kỳ, phẫu thuật hoặc chấn thương.
Hạ đường huyết xảy ra khi có quá nhiều insulin trong cơ thể, dẫn đến lượng đường trong máu thấp. Nó phổ biến ở người mắc bệnh tiểu đường type 1 và có thể xảy ra ở người mắc bệnh tiểu đường type 2 dùng insulin hoặc một số loại thuốc.
Người mắc bệnh tiểu đường bị hạ đường có thể do vận động quá sức, uống rượu mà không ăn, ăn muộn hoặc bỏ bữa, các bữa ăn không cân bằng, ăn không đủ carbohydrate, không xác định thời điểm hấp thụ insulin và carb chính xác (đợi quá lâu để ăn một bữa sau khi dùng insulin cho bữa ăn).
Triệu chứng và biến chứng
Triệu chứng tăng đường huyết thường là mệt mỏi, thay đổi tầm nhìn, khát, hơi thở trái cây, tăng cảm giác đói, buồn nôn, ói mửa. Mặc dù các triệu chứng tăng đường huyết có thể không đáng kể nhưng khi lượng đường tăng cao trong thời gian dài sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Thông thường, tăng đường huyết thường bắt đầu với cảm giác mệt mỏi, nhức đầu, đi tiểu thường xuyên và tăng cảm giác khát nước. Theo thời gian, các triệu chứng có thể tiến triển thành buồn nôn, nôn, khó thở và hôn mê. Nhận biết các triệu chứng khi lượng đường trong máu cao và điều trị sớm là cách để tránh các biến chứng nghiêm trọng.
Các triệu chứng hạ đường huyết cũng có xu hướng bắt đầu từ từ và có thể không được nhận ra lúc khởi phát. Nếu không điều trị, các triệu chứng có xu hướng nghiêm trọng hơn. Người bị hạ đường huyết thường có cảm giác run rẩy, đói, nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi, khó chịu, không có khả năng tập trung và chóng mặt. Nếu lượng đường trong máu của một người thấp đến mức nguy hiểm (dưới 54 mg/dL), các triệu chứng nghiêm trọng có thể xảy ra. Những triệu chứng này có thể bao gồm nhầm lẫn, thay đổi hành vi, nói lắp, cử động vụng về, mờ mắt, co giật và mất ý thức.
Người bị tăng đường huyết có thể sử dụng insulin tác dụng nhanh, tập thể dục thường xuyên, giảm cân, phẫu thuật, ăn carbohydrate điều độ. Người bị hạ đường huyết nên dùng 15 g carbohydrate, viên nén glucose, thuốc, thay đổi chế độ ăn uống.
Các biến chứng của tăng đường huyết có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác nhau của cơ thể từ mắt đến dây thần kinh. Ngoài ra, lượng đường trong máu cao liên tục có thể dẫn đến bệnh tim và bệnh động mạch ngoại vi. Nếu tăng đường huyết xảy ra trong thai kỳ nghiêm trọng có thể gây hại cho mẹ bầu và thai nhi. Lượng đường trong máu thấp cũng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng bao gồm co giật, mất ý thức và tử vong. Những người bị hạ đường huyết có thể bị ngã hoặc gặp tai nạn do run, chóng mặt.
|