Vladivostok chính thức trở thành cảng trung chuyển hàng hóa nội địa xuyên biên giới của Trung Quốc, là bước đột phá mới trong hợp tác kinh tế Nga-Trung giữa bối cảnh xung đột diễn ra.
Nga mở cảng Vladivostok cho Trung Quốc
Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) mới đây thông báo, cảng Vladivostok (Nga) sẽ trở thành cảng trung chuyển xuyên biên giới đối với "hàng hóa nội địa" Trung Quốc. Thông báo này có hiệu lực từ ngày 1/6/2023.
Điều này đồng nghĩa việc, sau 163 năm, Nga đã mở lại một hải cảng quan trọng cho Trung Quốc.
Trước đây, các tỉnh Cát Lâm và Hắc Long Giang vận chuyển hàng hóa đến miền nam Trung Quốc thông qua các cảng ở tỉnh Liêu Ninh, cách đất liền khoảng 1.000 km.
Nhưng giờ đây, tuyến đường vận chuyển này sẽ được rút ngắn nhờ vận chuyển qua cảng Vladivostok.
Hàng hóa từ Tuy Phân Hà (Hắc Long Giang) hoặc Hồn Xuân (Cát Lâm) di chuyển đến cảng Vladivostok chỉ mất 200 km, rồi được vận chuyển xuống miền nam Trung Quốc bằng đường biển, vừa tiết kiệm thời gian vừa tiết kiệm chi phí.
"Với việc mở cảng Vladivostok, nó sẽ không chỉ giảm chi phí vận chuyển mà còn thu hút nhiều đầu tư và kinh doanh hơn đến vùng Đông Bắc Trung Quốc trong tương lai, điều này có thể đóng vai trò mở đầu cho sự cất cánh của nền kinh tế địa phương" , ông Liang Haiming, Trưởng khoa Nghiên cứu Vành đai và Con đường thuộc Đại học Hải Nam nói với Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc).
Đối với Vladivostok và vùng Viễn Đông rộng lớn hơn của Nga, sự kết nối sâu sắc hơn với vùng Đông Bắc Trung Quốc chắc chắn sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển hơn.
Ông Đát Chí Cương, Giám đốc Viện Đông Bắc Á thuộc Học viện Khoa học Xã hội Hắc Long Giang, chia sẻ với Thời báo Hoàn khẳng định:
"Vladivostok chính thức trở thành cảng trung chuyển hàng hóa nội địa xuyên biên giới của Trung Quốc, là bước đột phá mới trong hợp tác kinh tế Nga-Trung giữa bối cảnh xung đột Ukraine đang diễn ra...
Hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Nga ở khu vực Đông Bắc Trung Quốc có tiềm năng lớn. Hắc Long Giang có nhiều tiềm năng và lợi thế trong thương mại hàng hóa và đầu tư với Nga. Những lợi thế và tiềm năng này sẽ được phát triển hơn nữa với việc mở c ảng Vladivostok".
Thông điệp về việc Nga mở cửa Vladivostok cho hàng hóa Trung Quốc được đưa ra giữa bối cảnh phương Tây tiếp tục gia tăng sức ép cấm vận nhằm vào Moscow.
Nhóm G7 dự kiến sẽ siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga - bao gồm các biện pháp làm suy yếu hoạt động sản xuất năng lượng trong tương lai của Nga, cũng như hạn chế hoạt động thương mại của nước này - tại Hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima vào cuối tuần này.
Trung-Nga tăng cường hợp tác kinh tế
Theo Thời báo Hoàn cầu, thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nga đạt 73,15 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2023, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hồi năm 2022, thương mại song phương Nga-Trung cũng tăng lên mức kỷ lục 190 tỷ USD.
Bà Alexandra Prokopenko, học giả Trung tâm Âu-Á Nga Carnegie và từng làm việc tại Ngân hàng Trung ương Nga, nhận định, các mặt hàng năng lượng chiếm hơn 2/3 xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc: Nga là nhà cung cấp dầu lớn thứ hai và là nhà cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ tư cho Bắc Kinh.
Trong khi đó, Nga nhập khẩu từ Trung Quốc không chỉ bao gồm hàng tiêu dùng mà còn ngày càng nhiều hàng công nghệ cao. Nhập khẩu xe tải, máy xúc và phụ tùng xe của Trung Quốc đã tăng đáng kể vào năm 2022.
Bất chấp những hạn chế cung cấp chất bán dẫn và vi mạch của phương Tây, Nga vẫn nhập hầu hết các thiết bị điện tử và chất bán dẫn từ các công ty Trung Quốc.
Những gã khổng lồ như Huawei có thể dừng hoạt động ở Nga vì lo ngại mạng lưới kinh doanh toàn cầu nhưng các công ty nhỏ hơn đang âm thầm thâm nhập thị trường Nga.
Các khoản thanh toán đến và đi từ các đối tác Trung Quốc phần lớn được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ hơn là đồng rúp. Tỷ lệ thanh toán cho hàng xuất khẩu và nhập khẩu của Nga được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ cũng đã tăng vọt trong hai năm qua.
VietBF@Sưu tầm