Đa số thực phẩm đều có hạn sử dụng. Tuy nhiên, cũng có những thứ có thể để được rất lâu. Với điều kiện bảo quản tốt, bạn có thể sử dụng chúng bất cứ lúc nào.
Giấm
Giấm là loại gia vị phổ biến, hầu như căn bếp gia đình nào cũng có. Giấm được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Ngoài nấu nướng, người ta còn sử dụng giấm để tẩy rửa các vết bẩn trong nhà.
Giấm là thực phẩm có "tuổi thọ cao" do có tính axit. Nó có thể tự bảo quản mà không cần để trong tủ lạnh.
Theo quy định, giấm già là giấm có độ chua trên 4,5 độ. Dù không thêm chất bảo quản thì loại giấm này cũng có thể để được rất lâu.
Khi đạt đến độ chua này, giá trị pH của giấm quá thấp nên có thể ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn.
Tuy nhiên, bạn cũng nên chú ý bảo quản giấm hợp lý. Hãy để giấm ở nơi tối, thoáng mát, tránh xa các nguồn nhiệt để giấm không bị biến chất.
Mật ong
Mật ong là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, được nhiều người yêu thích. Nhiều người cho rằng mật ong càng tươi càng ngon, để lâu dễ bị hỏng. Tuy nhiên, mật ong hầu như không có hạn sử dụng. Bản thân mật ong có khả năng kháng khuẩn mạnh. Nếu được bảo quản hợp lý, nó có thể để được rất lâu.
Mật ong chứa đường, độ ẩm thấp, chứa các axit gluconic, hydro peroxide tự nhiên giúp mật ong không bị oxy hóa trong không khí.
Mật ong được giữ ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp sẽ không bị biến chất. Bạn cũng không cần thiết phải để mật ong trong tủ lạnh. Lưu ý, nên để mật ong trong các dụng cụ bằng thủy tinh. Tránh dùng chai, lọ kim loại để đựng mật ong.
Muối
Về bản chất, muối là một khoáng chát nên không bị hỏng. Trên thực tế, người ta thường sử dụng muối trong việc bảo quản thực phẩm khỏi nấm mốc và vi khuẩn. Điều này xảy ra là do muối giúp rút bớt nước trong thực phẩm, tạo ra môi trường khô ráo, không cho nấm mốc và vi khuẩn phát triển.
Lưu ý, với loại muối i-ốt, bạn chỉ nên sử dụng chúng trong vòng 1 năm. I-ốt thường bay hơn làm cho muối mất đi hàm lượng dinh dưỡng có lợi. Tất nhiên, bạn vẫn có thể sử dụng loại muối này như muối ăn bình thường.
Đường
Tương tự muối, đường cũng có thể tồn tại vĩnh viễn nếu tránh xa độ ẩm và nguồn nhiệt. Đường khi hấp thụ nước và đông cứng lại cũng không bị mất đi lượng dinh dưỡng có sẵn. Bạn có thể sử dụng đường trong thời gian dài mà không cần lo lắng.
Kết cấu của đường có thể thay đổi theo thời gian nhưng không bao giờ hết hạn.
Nên bảo quản đường trong lọ đậy kín nắp, để ở nơi khô ráo, thoáng mát để tránh kiến tấn công.
Vỏ quýt khô
Vỏ quýt khô (trần bì) là một trong những nguyên liệu nấu ăn phổ biến. Nó cũng có thể được dùng trong các bài thuốc y học cổ truyền.
Thông thường, vỏ quýt khô để càng lâu thì càng có giá trị cao. Vỏ quýt để trên 3 năm được xem là tốt nhất. Lúc này, vỏ quýt sẽ có mùi thơm đậm, giá trị dược liệu hay hương vị đều đạt tới ngưỡng cao nhất.
Vỏ quýt có tác dụng điều hòa khí huyết, tan ẩm, tan đờm, chống táo bón... Vỏ quýt khô có thể dùng trong các món hầm, xào...