Mướp đắng là một loại rau quả độc đáo với vị đắng. Tuy nhiên, trong y học cổ truyền, mướp đắng được sử dụng để điều trị nhiều bệnh như đau bụng, bỏng, sốt, ho mãn tính, đau bụng kinh và các bệnh về da. Tuy nhiên, với một số người, ăn mướp đắng không chỉ không có tác dụng mà đôi khi còn khiến cho bệnh tình ngày càng nặng hơn. Việc ăn mướp đắng có lợi hay có hại tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng người và lượng mướp đắng được sử dụng.
Theo y học hiện đại, mướp đắng vừa là một loại trái cây, vừa là một loại rau bổ dưỡng. Nó cung cấp một loạt chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, bao gồm: Vitamin A, B1, B2, B3, B9, C và E và một số loại khoáng chất thiết yếu như canxi, kali, phốt pho, kẽm, magie và sắt.
Theo nghiên cứu cho thấy, mướp đắng có thể làm giảm được lượng đường trong máu của cơ thể. Điều này là do một số đặc tính hoạt động giống như insulin trong mướp đắng đã giúp đưa glucose vào các tế bào để tạo ra năng lượng.
Việc ăn mướp đắng sẽ giúp cho các tế bào của cơ thể sử dụng đường glucose một cách hiệu quả và vận chuyển nó dễ dàng hơn đến cơ bắp, gan và chất béo. Bên cạnh đó, mướp đắng cũng giúp ngăn chặn sự chuyển đổi của các chất dinh dưỡng thành đường glucose trong máu, giúp cơ thể không mất đi những chất dinh dưỡng quan trọng.
Người ta cũng phát hiện ra rằng, mướp đắng có chứa lectin, giúp làm giảm nồng độ glucose trong máu thông qua việc tác động lên các mô ngoại vi, từ đó ngăn chặn sự thèm ăn.
Ngoài ra, nó cũng được sử dụng để chữa lành vết thương, hỗ trợ sinh con ở phụ nữ mang thai, ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh sốt rét, hay các bệnh do vi rút như sởi và thủy đậu.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Saint Louis ở Mỹ cũng phát hiện ra rằng chiết xuất từ mướp đắng có thể tiêu diệt được các tế bào ung thư vú và ngăn ngừa sự phát triển, lây lan của chúng trong cơ thể.
5 nhóm người không thích hợp khi ăn mướp đắng
Người bị đau đầu
Mướp đắng có hai đặc tính không tốt với người hay bị đau đầu, đó là nó có chứa charantin, polypetid – P; đây là những hợp chất làm giảm đường huyết vì chúng hạn chế dung nạp glucose, có thể hỗ trợ điều trị tiểu đường và cao huyết áp, nhưng cũng là nguyên nhân gây đau đầu nếu bị hạ huyết áp. Bên cạnh đó, thành phần vicine trong hạt mướp có thể gây ngộ độc, biểu hiện là đau đầu, co thắt vùng bụng hoặc có thể hôn mê nhẹ.
Người mang thai và cho con bú
Mướp đắng rất ít chất xơ và chất béo nên không có lợi cho chế độ dinh dưỡng của bà bầu và phụ nữ sau sinh. Ngoài ra, việc ăn mướp đắng có thể gây giảm đường huyết.
Bên cạnh đó, chúng cũng là một loại quả kích thích tử cung, gây chảy máu và có thể dẫn đến sinh non. Phụ nữ đang cho con bú cũng không nên ăn mướp đắng vì một số thành phần không tốt có thể được truyền qua sữa mẹ.
Người mắc bệnh gan, thận
Người bị bệnh về gan và thận được khuyến cáo không nên ăn mướp đắng vì chúng rất khó tiêu hóa, có thể gây đầy hơi. Những người bị thiếu men G6PD (loại men có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa của tế bào hồng cầu) nên tránh xa loại rau có vị đắng này.
Người phải phẫu thuật
Nhiều chuyên gia cho rằng mướp đắng có thể cản trở quá trình kiểm soát lượng đường huyết trong và sau khi phẫu thuật. Bởi vậy, tốt nhất là bạn nên ngừng ăn mướp đắng ít nhất 2 tuần trước và sau thời gian phẫu thuật dự kiến.
Người tiêu hóa kém
Ăn mướp đắng sẽ khiến dạ dày phải hoạt động nhiều hơn, gây tình trạng quá tải. Với người hay bị lạnh bụng cũng không nên ăn nhiều vì sẽ tạo gánh nặng cho đường tiêu hóa. Nếu vẫn muốn ăn, hãy kết hợp hài hòa và điều độ với thực phẩm khác để đem lại hiệu quả như mong muốn.
Mướp đắng ăn bao nhiêu là đủ?
Mướp đắng có thể được sử dụng dưới nhiều dạng khác nhau, chẳng hạn như rau tự nhiên, một loại trà, nước ép hoặc chất bổ sung. Ngoài ra, hạt mướp đắng có thể được thêm vào thức ăn dưới dạng bột hoặc dạng thuốc sắc.
Bạn không nên sử dụng quá nhiều hoặc quá thường xuyên mướp đắng trong chế độ ăn uống của mình vì nó có thể giảm đi tính hiệu quả của một số loại thuốc mà bạn đang sử dụng hoặc dẫn đến một số tác dụng phụ không mong muốn.
Nếu bạn muốn bổ sung thêm mướp đắng vào chế độ ăn uống hàng ngày của mình, bạn chỉ nên tiêu thụ không quá 2,5 lạng mướp đắng (hơn 2 quả) vào mỗi ngày. Ngoài ra, bạn nên tham khảo sự tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng mướp đắng để kiểm soát mức đường huyết của mình.
|
|