Dưới thời phong kiến, các phi tần của nhiều triều đại vô cùng sợ hãi khi trở thành triều thiên nữ. Đây là cách gọi khác của việc phi tần phải thực hiện tập tục tuẫn táng sau khi hoàng đế băng hà.
Trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, đa số phi tần ở các triều đại đều cố gắng để được hoàng đế ân sủng. Nhờ vậy, họ sẽ có được địa vị cao trong hậu cung cũng như có cuộc sống nhung lụa, giàu sang phú quý.
Thế nhưng, khi hoàng đế băng hà, các phi tần vô cùng sợ hãi khi được lựa chọn làm triều thiên nữ. Sở dĩ họ khiếp sợ là vì triều thiên nữ là cách gọi khác của tập tục tuẫn táng.
Theo đó, sau khi hoàng đế băng hà, các phi tần sẽ được lựa chọn để tuẫn táng, theo hầu nhà vua ở thế giới bên kia.
Các phi tần sẽ tự sát, chôn sống hoặc bị giết chết. Thi hài của họ sẽ được đặt trong cùng lăng mộ của bậc đế vương. Dù phi tần có tự nguyện hay không thì cũng không thể tránh khỏi việc phải bồi táng theo nhà vua.
Các nhà nghiên cứu lịch sử cho hay tập tục tuẫn táng xuất hiện từ thời nhà Chu. Từ thời nhà Thương đến nhà Hán, tập tục này vô cùng phổ biến trong hoàng tộc.
Trong giai đoạn nhà Hán, một số hoàng đế đã hủy bỏ tập tục tuẫn táng vì cho rằng nó quá tàn nhẫn. Theo đó, sau khi nhà vua băng hà, các phi tần không còn phải chết theo họ.
Thế nhưng, đến thời nhà Minh, tập tục tuẫn táng được khôi phục. Trong đó, vào năm 1398, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương băng hà.
Người kế vị của ông là Chu Doãn Văn. Theo di chiếu của Chu Nguyên Chương, Chu Doãn Văn đã lệnh cho toàn bộ 46 phi tần không có con cái phải tuẫn táng, chôn theo Minh Thái Tổ.
46 phi tần này lựa chọn cái chết khác nhau. Trong đó, một số lựa chọn tự sát bằng tấm vải trắng. Một vài người khác lựa chọn uống thuốc độc như thủy ngân. Những phi tần không tự nguyện tuẫn táng, cầu xin khóc lóc nhưng đều sẽ bị giết hại theo lệnh của tân vương.
Đến thời Minh Anh Tông Chu Kỳ Trấn, tập tục tuẫn táng được xóa bỏ. Từ đó về sau, các phi tần không còn phải sợ hãi sẽ phải tuẫn táng mỗi khi hoàng đế băng hà.