3/25
QUẢNG NAMCon trai ngộ độc cá chép muối, bà Hồ Thị Nhương vội dồn hết tài sản, vay thêm để có 40 triệu đồng tổ chức đâm trâu, dù biết món nợ sẽ kéo dài nhiều thế hệ.
Bà Nhương, 55 tuổi, trú thôn 2, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tìm đến thầy cúng một ngày đầu tháng 3. Con trai bà là Hồ Văn Hát, 29 tuổi, bị nôn mửa chóng mặt sau khi ăn món cá chép muối chua gia đình tự làm. Chữa trị ở Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn một ngày, Hát tự về nhà khiến bệnh nặng hơn, phải cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
Thầy cúng trong thôn nói con bà ốm do gia đình chưa tổ chức đâm trâu khi chồng bà qua đời. Muốn con hết bệnh, bà phải cúng trâu cho người chết.
Ngày 6/3, trong khi con đang cấp cứu, bà Nhương dẫn trâu về nhà cộng đồng thôn. Hôm sau, trâu được buộc vào cây nêu cao 5 m, thầy cúng làm lễ, người trong gia đình nhảy múa nguyên một ngày. Ngày tiếp theo, trâu bị xẻ thịt, thết đãi 200 hộ dân với gần 800 người trong thôn. Ngoài các món thịt trâu, tiệc còn có món cá chép muối chua.
Lễ đâm trâu kết thúc, thêm bốn người trong thôn phải cấp cứu với triệu chứng nôn mửa, mờ mắt. Bệnh viện xác định tất cả họ ngộ độc botulinum do ăn cá chép muối chua. Anh Hát tính mạng nguy kịch, một người cùng thôn tử vong. Botilinum là độc tố thần kinh cực mạnh, thuốc giải độc rất hiếm. Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy phải trực tiếp mang thuốc giải độc từ TP HCM đến Quảng Nam để cứu người.
Gia đình bà Nhương thuộc hộ cận nghèo. Lễ đâm trâu khiến bà tiêu hết số tiền dưỡng già và vay mượn thêm, tổng cộng 40 triệu đồng. Bà mua con trâu ở thị trấn Khâm Đức hết 15 triệu, dân làng góp gạo và rượu giúp tổ chức ăn uống trong ba ngày. Đây là lần thứ tư bà Nhương tổ chức đâm trâu để chữa bệnh.
Cách nhà bà Nhương 100 m, nhà cộng đồng thôn 2 có 50 chiếc đầu trâu treo chi chít trên mái nhà. Ông Hồ Văn Vớt, 64 tuổi, cho biết mới đóng góp một đầu trâu năm nay. Đứa cháu gần một tuổi bị sốt cao, nôn. Muốn cháu hết bệnh, ông phải cúng trâu cho ông cố qua đời hơn 30 năm trước. Ông đã mua con trâu gần 20 triệu đồng, làng xóm góp hơn 200 lít rượu và 5 tạ gạo để cúng lễ trong ba ngày.
Theo ông Vớt, đây là tục của người xưa để lại. Nhà nào có người chết đều phải cúng thì mới yên ổn. "Người Kinh hàng năm đến ngày mất cha mẹ phải cúng, còn người Giẻ Triêng chúng tôi chỉ đâm trâu cúng một lần thôi", ông Vớt so sánh.
Tổ chức xong lễ đâm trâu, cháu ông Vớt nặng thêm phải nhập viện. Bác sĩ chẩn đoán viêm phế quản. Nằm viện thuốc thang 5 ngày, cháu ông hết bệnh.
Gần 50 đầu trâu treo trong nhà cộng động thôn 2, xã Phước Đức. Ảnh: Đắc Thành
Đầu trâu treo trong nhà cộng đồng thôn 2, xã Phước Đức. Ảnh: Đắc Thành
Xã Phước Đức có bốn thôn với 675 hộ, 2.560 người, 70% là dân tộc Giẻ Triêng. Tục lệ đâm trâu là gánh nặng tài chính với hầu hết các gia đình.
Một lễ đâm trâu thường tốn 40 đến 100 triệu đồng, trong đó tiền trâu từ 10 đến 30 triệu, chưa kể gạo, mắm muối, rượu làng xóm góp vào. Nợ nần cha mẹ không trả được thì con cháu phải trả thay nên nghèo đói triền miên. Tỷ lệ hộ nghèo ở đây chiếm hơn 43%.
Ông Nguyễn Thế Thọ, Trưởng Phòng văn hóa Thông tin huyện Phước Sơn, cho hay so với trước đây tục đâm trâu giảm nhiều, song xóa bỏ là điều không thể vì tục lệ ăn sâu đã nhiều đời.
Cùng quan điểm, Chủ tịch xã Phước Đức Hồ Văn Điền nói chính quyền chỉ có cách tuyên truyền "mưa dầm thấm lâu" với hy vọng bà con dần thay đổi nhận thức, tiến tới xóa bỏ tục lệ gây thiệt hại lớn về kinh tế này.
|
|