Người bệnh tim nên trao đổi trước với bác sĩ về chương trình tập luyện, tránh các bài tập tăng nhịp tim và gắng sức như chống đẩy, squat…
Tập thể dục thường xuyên hơn 150 phút một tuần giúp người bệnh tim mạch đẩy nhanh quá trình hồi phục, cải thiện chức năng tim, giúp giảm điều trị bằng thuốc, hạ huyết áp và cải thiện cholesterol. Nhiều người bệnh tim mạch được khuyến khích tập thể dục hàng ngày, song cần lưu ý các bước an toàn để tránh bệnh tái phát, gồm:
Trước khi bước vào tập nên tự đánh giá tình trạng sức khỏe của bản thân và vạch ra kế hoạch tập phù hợp, thông qua trả lời 6 câu hỏi, gồm: thời gian tập bao lâu, tần suất tập trong một tuần, bài tập phù hợp, bài tập cần tránh, thời điểm uống thuốc và vấn đề đo nhịp tim, mạch.
Nếu không thể tự xác định tình trạng của bản thân, bạn nên nhờ bác sĩ kiểm tra và tư vấn. Bác sĩ có thể siêu âm tim, điều chỉnh thuốc hoặc kiểm tra mức độ gắng sức tối đa. Nếu có thể, bạn nên kiểm tra với bác sĩ, chuyên gia y tế trước mỗi bài tập.
Người bệnh suy tim nên tránh các bài tập chống đẩy, squat, đứng và ngồi liên tục, các bài cần căng cơ, kháng lực, tập tạ. Lý do là các bài tập này có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp. Thay vào đó, bạn nên đạp xe, nên tập vài phút một ngày và tăng thời gian tập từ từ, tránh tập luyện đến mức hụt hơi, không thể nói chuyện.
Đi bộ nhẹ nhàng được cho là bài tập tốt nhất dành cho người bệnh tim. Hãy bắt đầu đi bộ một quãng ngắn, có thể chỉ quanh nhà hoặc sân của bạn, trong vòng 3-4 phút, sau đó nghỉ ngơi 2 phút, rồi tiếp tục đi bộ. Nên chọn cung đường vừa phải, tổng thời gian đi chừng 30-45 phút để vận động cơ thể nhưng vẫn đủ khỏe để vừa đi vừa trò chuyện.
Trước khi tập, người bệnh nên khởi động trong vòng 5 phút để tăng dần nhịp tim. Khi tập xong, hãy nghỉ ngơi để hạ nhiệt độ cơ thể và nhịp tim về mức bình thường, có thể tập các động tác giãn cơ để cải thiện tính linh hoạt cơ thể. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về lượng nước uống và uống đủ trong khi tập thể dục, ngay cả khi cảm thấy không khát.
Không tập thể dục ngoài trời khi thời tiết quá lạnh, nóng hoặc ẩm. Thời tiết bất lợi có thể cản trở tuần hoàn, gây khó thở và đau ngực. Thay vào đó, bạn có thể đi bộ trong nhà, ở trung tâm mua sắm. Nếu phải nghỉ tập do bệnh, kỳ nghỉ, hãy đi tập lại càng sớm càng tốt.
Bạn nên dừng tập ngay khi cảm thấy quá mệt mỏi hoặc khó thở, đau tức ở ngực, cánh tay, cổ , hàm hoặc dạ dày, chóng mặt, mệt mỏi đột ngột, yếu, buồn nôn hoặc bắt đầu nôn mửa, khó thở hơn, nhịp rất nhanh và không đều, hoặc cảm thấy đau, sưng ở chân.
Đừng tập thể dục nếu cảm thấy không khỏe hoặc mới ốm dậy. Người bệnh nên đợi một vài ngày sau hết triệu chứng hoặc kiểm tra sức khỏe để được đánh giá thể trạng, tư vấn y khoa cụ thể. Nếu bị khó thở dai dẳng, hãy nghỉ ngơi và đi khám. Bác sĩ có thể thay đổi thuốc, chế độ ăn uống để làm giảm triệu chứng này.
|
|