Các đợt viêm do gout thường kéo dài vài ngày hoặc vài tuần, người bệnh có thể chườm đá, dùng thuốc giảm đau và ăn lành mạnh để giảm tuần suất các đợt cấp.
Bệnh gout là một dạng viêm khớp phổ biến. Sự tích tụ các tinh thể uric trong khớp sẽ gây ra các cơn đau ở một hoặc nhiều khớp. Người bệnh thường chịu đựng những cơn đau đột ngột và dữ dội ở các khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối, thậm chí không thể đi lại được do đau. Khớp ngón chân là vị trí bị ảnh hưởng phổ biến nhất. Cơn đau trong các đợt viêm gout có thể khiến người bệnh mất ngủ vào ban đêm, các giác đau nhói, sưng tấy, đỏ, nóng xung quanh khu vực khớp bị ảnh hưởng.
Những cơn gout cấp thường xuất hiện đột ngột, không có dấu hiệu báo trước, khiến khớp sưng đau và khó di chuyển bình thường. Yếu tố khiến các cơn gout cấp khởi phát có thể do ăn nhiều đạm, uống rượu bia và ăn thức ăn nhiều đường.
Các đợt bùng phát của gout có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần. Tình trạng này có thể tự khỏi, nhưng các biện pháp điều trị sẽ giúp giải quyết các triệu chứng nhanh hơn, ít phá hủy mô trong không gian khớp.
Bệnh nhân gặp các đợt viêm gout thường xuyên có thể dẫn đến gout mạn tính và tổn thương khớp vĩnh viễn. Những cục u nhỏ, màu trắng xuất hiện do các tinh thể urat hình thành có thể gây đau dưới da.
Bàn chân bị bị sưng đau do gout. Ảnh: footdoctorscolorado
Các thuốc chống viêm như ibuprofen có thể giúp cải thiện các cơn đau cấp. Người bị gout nên trữ sẵn loại thuốc này trong nhà để dùng khi cần thiết. Thuốc có thể được sử dụng ngay khi các triệu chứng đau bắt đầu xuất hiện.
Thuốc chống viêm sẽ có tác dụng trong vòng 3 ngày. Trong giai đoạn này, bệnh nhân được khuyên nên nghỉ ngơi và nâng cao bàn chân bị đau, giữ cho khớp mát bằng cách chườm đá tối đa 20 phút, uống nhiều nước. Vào ban đêm, không để quần áo ngủ chạm vào khớp để tránh gây kích ứng. Sau 3 ngày nếu các cơn đau không giảm, bác sĩ có thể kê thuốc steroid ở dạng viên nén hoặc thuốc tiêm.
Chế độ ăn kiêng dành cho người bị gout chủ yếu là chế độ ăn lành mạnh, ít purin. Khi tiêu hóa purine, cơ thể sẽ sản sinh axit uric. Tinh thể axit uric tích tụ lâu ngày trong các khớp xương gây ra gout. Việc duy trì cân nặng lành mạnh rất quan trọng vì thừa cân sẽ làm tăng khả năng bùng phát các cơn gout cấp đồng thời tăng cường độ đau, khiến bệnh khó kiểm soát hơn.
Một số thực phẩm được khuyên sử dụng để kiểm soát nồng độ axit uric và giảm nguy cơ các đợt gout cấp bao gồm: trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt cung cấp carbohydrate phức hợp, nước, các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không béo, cà phê, thực phẩm giàu vitamin C. Người bệnh nên hạn chế ăn bánh mì trắng, đồ ăn vặt, đồ uống có đường, thịt đỏ, thịt gia cầm, nội tạng động vật, một số loại hải sản như cá trích, cá mồi, cá hồi, cá thu, đồng thời kiêng rượu bia.