Người Mỹ ngại mua nhà vì lãi vay tăng cao. Hiện nay số lượng đăng ký vay mua nhà tại Mỹ đã giảm đi đáng kể vì lãi vay thế chấp tăng cao. Điều này trái ngược với giai đoạn tiền rẻ trong thời kỳ đại dịch.
Theo CNBC, lãi vay mua nhà tăng cao khiến người Mỹ e ngại hơn, ngay cả khi thị trường nhà ở được cho là sẽ nóng lên vào mùa xuân.
Dữ liệu của Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp Mỹ cho thấy số khách hàng đăng ký vay thế chấp mua nhà đã giảm 6% chỉ sau một tuần, đánh dấu mức thấp nhất trong vòng 28 năm. So với năm trước đó, mức giảm lên tới 44%.
Nguyên nhân là lãi suất trung bình đối với khoản vay thế chấp dưới 726.200 USD, lãi suất cố định, kỳ hạn 30 năm đã tăng từ 6,62% lên 6,71%.
Lãi vay thế chấp đã tăng 50 điểm cơ bản chỉ trong vòng một tháng. Tháng 12 năm ngoái, con số này chỉ khoảng 4%.
Trong cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất điều hành lên 4,5-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007.
Trước đó, trong năm 2022, ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm 4 lần liên tiếp (trong cuộc họp tháng 6, 7, 9 và 11), rồi tăng tiếp 0,5 điểm phần trăm vào cuộc họp tháng 12.
Tại Mỹ, lãi suất trung bình đối với khoản vay thế chấp dưới 726.200 USD, lãi suất cố định, kỳ hạn 30 năm đã tăng lên 6,71%. Ảnh: Bloomberg.
Đáng nói, các dữ liệu kinh tế mới nhất chỉ ra Fed có thể phải hành động nhiều hơn để kìm hãm lạm phát.
"Các dữ liệu về lạm phát, việc làm và hoạt động kinh tế đã phát đi tín hiệu rằng lạm phát có thể không hạ nhiệt nhanh như dự đoán. Điều này tiếp tục gây áp lực lên lãi suất", CNBC dẫn lời nhà kinh tế MBA Joel Kan bình luận.
Trong khi đó, số lượng đăng ký tái cấp vốn khoản vay mua nhà đã giảm 6% trong tuần qua. So với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm lên tới 74%.
"Đăng ký tái cấp vốn khoản vay chiếm chưa tới 1/3 tổng số đăng ký và giảm tới hơn 70% so với năm ngoái. Bởi phần lớn người mua nhà vẫn muốn hưởng mức lãi suất thấp hơn", ông Kan nhận định.
Lãi suất thế chấp không thay đổi nhiều vào tuần này, nhưng xu hướng chung vẫn là đi lên. Điều này trái ngược với trong thời kỳ đại dịch, các ngân hàng trung ương đồng loạt cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. "Tiền rẻ" đã được đổ vào chứng khoán, tiền mã hóa và bất động sản.
Các dữ liệu về lạm phát, việc làm và hoạt động kinh tế đã phát đi tín hiệu rằng lạm phát có thể không hạ nhiệt nhanh như dự đoán. Điều này tiếp tục gây áp lực lên lãi suất
Nhà kinh tế MBA Joel Kan
Giống với thị trường chứng khoán, giá nhà được hỗ trợ bởi những chính sách nới lỏng tiền tệ của các chính phủ trên toàn cầu, trong đó có Mỹ. Gánh nặng thanh toán lãi vay hàng tháng giảm đi. Cùng với đó, lãi suất giảm cũng khiến việc đầu tư địa ốc trở nên hấp dẫn hơn.
Ngoài ra, khi nhân viên văn phòng làm việc tại nhà nhiều hơn, họ sẽ muốn một không gian thoải mái và tiện nghi hơn. Nguồn cung thu hẹp do những hạn chế trong đại dịch cũng đẩy giá nhà lên cao.
Nhưng giờ, Fed buộc phải tăng lãi suất mạnh tay để kìm hãm lạm phát, vốn đã leo lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Các dữ liệu mới nhất cho thấy cuộc chiến chống lạm phát của ngân hàng trung ương Mỹ sẽ không kết thúc nhanh chóng.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi - không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm - tăng 0,6% trong tháng 1 và 4,7% so với một năm trước đó, vượt dự báo của giới quan sát.
PCE là thước đo lạm phát được Fed yêu thích. Ngân hàng trung ương Mỹ theo dõi báo cáo PCE sát sao hơn những chỉ số lạm phát khác, bởi chỉ số này điều chỉnh theo thói quen chi tiêu của người tiêu dùng.
Báo cáo PCE không phải minh chứng duy nhất cho thấy Fed đang thất thế trong cuộc chiến chống lạm phát. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá tiêu dùng và doanh số bán lẻ trong tháng 1 của Mỹ đều cao hơn dự báo.
VietBF@ sưu tập
|