Phố Wall đón thêm tin xấu. Vào úc này, thêm một tín hiệu nữa cho thấy lạm phát tại Mỹ vẫn còn rất nóng và điều này có thể buộc Fed phải giữ vững lập trường diều hâu.
Theo Wall Street Journal, doanh số bán lẻ tại Mỹ đã tăng mạnh trong tháng 1. Người tiêu dùng chi tiêu mạnh tay cho xe cộ, đồ nội thất, quần áo và ăn hàng. Bộ Thương mại Mỹ cho biết gia tăng trong chi tiêu của tháng 1 năm nay là mức cao nhất kể từ tháng 3/2021.
Doanh số bán lẻ của Mỹ đã bật tăng trong tháng 1 sau khi lao dốc vào hai tháng cuối năm ngoái.
Đây là một trong những dữ liệu được các nhà đầu tư Phố Wall trông đợi, nhằm phán đoán động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Ngay sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố dữ liệu về doanh số bán lẻ, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã mất 152,58 điểm (-0,45%) giảm xuống 33.936,68 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq thiên về công nghệ cũng lao dốc lần lượt 21,35 điểm (-0,52%) và 50,06 điểm (-0,47%). Đà giảm vẫn chưa có dấu hiệu sớm kết thúc.
Trong khi đó, giá của mỗi ounce vàng trên sàn New York đã giảm 19,7 USD, tương đương 1,06% so với phiên liền trước.
Trước đó, theo CNBC, bà Maria Vassalou - đồng Giám đốc đầu tư tại Goldman Sachs Asset Management - cảnh báo nếu doanh số bán lẻ cho thấy sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng vẫn lớn, Fed có thể tăng lãi suất lên 5,5% ở cuối chu kỳ nhằm kìm hãm lạm phát.
Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất điều hành tổng cộng 8 lần kể từ tháng 3/2022. Năm ngoái, Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm 4 lần liên tiếp (trong cuộc họp tháng 6, 7, 9 và 11), rồi tăng tiếp 0,5 điểm phần trăm vào cuộc họp tháng 12, trước khi giảm tốc độ nâng lãi suất còn 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp đầu tiên của năm nay.
Lãi suất điều hành của Mỹ hiện ở mức 4,5-4,75%, cao nhất kể từ tháng 10/2007.
Sau cuộc họp chính sách đầu tiên của năm nay, đa số nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm thêm một lần nữa, trước khi ngừng nâng lãi suất rồi bắt đầu cắt giảm vào cuối năm. Nhưng các dữ liệu mới nhất cho thấy rủi ro lạm phát vẫn còn lớn và ngân hàng trung ương Mỹ có thể phải làm việc nhiều hơn.
Theo dữ liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 14/2, lạm phát tại Mỹ tăng cao trong tháng 1 do chi phí nhà ở, giá xăng và nhiên liệu đi lên. CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng 0,5% so với tháng trước đó và 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát dự báo mức tăng lần lượt là 0,4% và 6,2%. CPI lõi - loại trừ giá năng lượng và thực phẩm - tăng 0,4% so với tháng 12/2022 và 5,6% so với tháng 1/2022, cao hơn ước tính 0,1 điểm phần trăm.
Trong khi đó, báo cáo việc làm tháng 1 cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn còn mạnh mẽ. Mức tăng lương ổn định là tín hiệu tốt đối với chi tiêu tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.
"Người tiêu dùng vẫn đang ở trong tâm thế khá tốt. Khi mọi người yên tâm về công việc, họ cũng sẽ thoải mái trong chi tiêu", ông Joel Naroff - Chủ tịch của Naroff Economics - bình luận.
Doanh số bán lẻ chỉ là một phần của bức tranh chi tiêu, không tính đến các dịch vụ khác như du lịch, nhà ở và tiện ích. Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố những dữ liệu này trong tháng 2.
Trong bài phát biểu hôm 7/2, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng lạm phát đã bắt đầu hạ nhiệt, nhưng ông thừa nhận đó sẽ là một quá trình dài hơi.
Vị chủ tịch cảnh báo lãi suất điều hành có thể tăng mạnh hơn dự đoán của thị trường.
"Thực tế là chúng tôi sẽ hành động dựa trên các dữ liệu. Nếu chúng tôi tiếp tục nhận được những báo cáo cho thấy thị trường lao động vẫn nóng, hoặc lạm phát cao hơn, rất có thể Fed phải hành động nhiều hơn và tăng lãi suất lên cao hơn mức đang được thị trường định giá", Chủ tịch Fed chia sẻ.
Lãi suất tăng cao sẽ đè nặng lên thị trường chứng khoán Mỹ và các tài sản rủi ro khác. So với mức cao nhất 9 tháng được thiết lập hồi đầu tháng, giá của mỗi ounce vàng đã bốc hơi hơn 120 USD.
VietBF@ sưu tập
|
|