Người bị rối loạn tiền đình dễ đau đầu, choáng váng, mất thăng bằng nên lưu ý khi đi chơi xa, tham dự tiệc, mua sắm.
Rối loạn tiền đình có thể ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, công việc và sức khỏe của người bệnh. Theo BS.CK2 Thân Thị Minh Trung, Phó khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, với áp lực từ công việc và cuộc sống, ngày càng nhiều người trẻ bị rối loạn tiền đình. Bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, không chỉ phổ biến ở người cao tuổi như trước đây.
Người bệnh có thể gặp khó khăn trong công việc hàng ngày, kể cả hoạt động bình thường như đi mua sắm, đến các trung tâm thương mại, vui chơi lễ hội, đi du lịch... Bác sĩ Minh Trung lưu ý một số hoạt động, tình huống nhằm giúp người bệnh phòng tránh rối loạn tiền đình xảy ra.
Khi sinh hoạt, mua sắm: Dù ở trong nhà hay bên ngoài, người bị rối loạn tiền đình nên đề phòng choáng váng, ngã do mất thăng bằng, chóng mặt, xây xẩm. Ánh sáng, các dãy kệ hàng hóa dày đặt và đám đông dễ gây ra các triệu chứng trên. Các hoa văn trên sàn, động tác cúi xuống hoặc quay đầu để tìm kiếm hàng hóa... có thể khiến người bệnh gặp khó khăn để điều hướng.
Cách giảm chóng mặt và nguy cơ ngã là quan sát nền di chuyển. Người bệnh nên chọn những nơi có nhạc nhẹ nhàng, độ lạnh vừa phải để di chuyển dễ dàng, lên kế hoạch để mua nhanh, không di chuyển và đứng lâu.
Để không bị ngã ở nhà, nền nhà cần phẳng, chắc chắn, không trơn trợt, không có chướng ngại vật hoặc thay đổi bất ngờ. Gia đình nên cài đặt các thanh nắm, thêm đoạn đường nối hoặc tay vịn, nhất là ở cạnh giường hoặc trong phòng tắm... Giày dép thấp đế, thăng bằng, chống trượt giúp ổn định hơn, cải thiện khả năng giữ thăng bằng. Giày dép phù hợp có thể hỗ trợ người bệnh tự tin vận động.
Khi đi ăn và tham gia sự kiện bên ngoài: Người bệnh nên tránh đi vào giờ cao điểm, tránh nhạc nền lớn. Chọn nơi nền nhà có sàn trải thảm giúp giảm tiếng ồn và rung động do những người phục vụ di chuyển gần đó gây ra. Tránh đi đứng hay ngồi ở sàn và bề mặt sáng bóng, kẻ ô vuông làm mất tập trung thị giác. Những vị trí có quạt trần hay giấy dán tường nhiều hoạ tiết cũng có khả năng khiến người bệnh dễ hoa mắt, xây xẩm. Nếu nhà hàng có website, bạn có thể tải trước thực đơn và lên kế hoạch cho bữa ăn để tránh căng thẳng thị giác và nhầm lẫn.
Ngồi vào một góc của nhà hàng, hạn chế nơi nhộn nhịp, ngồi xa nhà bếp, máy tính tiền và quầy bar sẽ tốt hơn. Ngồi ghế riêng thay vì ghế dài để giảm chuyển động do người khác ngồi cạnh gây ra. Người bị rối loạn tiền đình nên chọn bàn tròn hoặc ngồi ở đầu nhằm giảm thời gian quay đầu khi trò chuyện. Nếu đang tham dự một sự kiện thể thao, người bệnh nên ngồi ở vị trí mà bạn có thể xem toàn cảnh không phải quay đầu nhiều; giữ đầu ổn định trong khi quan sát. Người bệnh cũng nên mang kính râm và đội mũ có vành để tránh ánh sáng và chuyển động.
Khi đi chơi xa, du lịch: Di chuyển nhiều, thay đổi độ cao hoặc áp suất nhanh, các kiểu chuyển động nhất định hoặc ánh sáng có thể là thử thách đối với người bị rối loạn tiền đình. Khi đi du lịch, người bệnh phải đối mặt với vấn đề di chuyển như tàu, thuyền, máy bay, ô tô...
Bác sĩ Minh Trung khuyên, người bệnh cần ngồi phía trên, gần cửa sổ để tránh tình trạng thiếu oxy gây thiếu máu lên não. Khi đi tàu xe, tránh đọc sách hoặc nhìn vào màn hình di động, iPad, tivi, máy tính... để ngăn hoa mắt, chóng mặt, cho mắt và não được nghỉ ngơi.
Người bệnh cũng có thể dễ bị say tàu xe. Nguyên nhân chính là do xung đột thông tin cảm giác giữa hệ thống tiền đình và thị giác. Người bệnh nên ngồi cạnh cửa sổ máy bay và nhìn ra bên ngoài hoặc chọn một chỗ ngồi gần cánh máy bay, nơi ít thấy chuyển động nhất. Tránh mùi mạnh và thức ăn cay hoặc nhiều dầu mỡ ngay trước và trong chuyến du lịch.
Cũng theo bác sĩ Minh Trung, ngoài những kỹ năng hàng ngày cần trang bị, người bị rối loạn tiền đình phải kiểm soát căng thẳng, mệt mỏi, buồn nôn... Ngủ ngon và đủ giấc có thể giúp phục hồi tiền đình. Khi người bệnh nghỉ ngơi đầy đủ, cơ thể được chuẩn bị tốt hơn để đáp ứng với các nỗ lực điều trị. Ngược lại, thiếu ngủ có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh. Trong mọi trường hợp, người bệnh vẫn cần đi khám định kỳ để có những điều chỉnh hay dùng thuốc theo chỉ định cụ thể của bác sĩ.