Mỹ tiếp tục tăng lãi suất liệu có giúp giảm lạm phát? Giữa tuần qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, lần tăng lãi suất liên tiếp thứ 8 kể từ tháng 3/2021. Với mức tăng như trên thì biên độ lãi suất cơ bản đã lên mức 4,5-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2007, và chưa có các dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ chấm dứt các đợt tăng lãi suất trong thời gian tới.
Việc tăng lãi suất lần này mang lại các tác động trái chiều với thị trường ngân hàng, tài chính của nước Mỹ cũng như kinh tế thế giới và chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước khác.
Biểu đồ lãi suất tham chiếu tại Mỹ tính đến năm 2022. Màu đỏ là các đợt tăng lãi từ 0,75% trở lên. Nguồn: CNN, Refinitiv
Tác động trái chiều
Việc Mỹ chỉ tăng lãi suất ở mức tối thiểu cho thấy nền kinh tế Mỹ phần nào đã quay trở lại với nhịp độ tăng trưởng bình thường hơn sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ nhờ nền kinh tế mở cửa trở lại, các gói kích cầu kinh tế và đại dịch Covid-19 được kiểm soát. Chính vì thế quyết định này dường như mang lại các tác động tích cực hơn là tiêu cực so với các lần tăng lãi suất trước. Sau thông báo tăng lãi suất ở mức tối thiểu, thị trường chứng khoán tại Mỹ và các thị trường chứng khoán quan trọng trên thế giới cuối tuần qua có xu hướng tăng điểm trở lại. Điều này phản ánh kỳ vọng của các thị trường vào xu hướng tích cực trong năm 2023 cũng như khả năng kinh tế Mỹ có thể tránh được một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Việc tăng lãi suất ở mức thấp và có xu hướng giảm tần suất trong thời gian tới cũng khiến áp lực tỷ giá đối với các nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu giảm đi đáng kể.
Tuy nhiên, một số quốc gia khác lại có phản ứng thận trọng đối với động thái này của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Ngay sau quyết định tăng lãi suất, một số ngân hàng trung ương khác như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh lập tức tăng lãi suất cơ bản ở mức tương đương. Lãi suất tăng nghĩa là siết chặt dòng tiền, ảnh hưởng trực tiếp đến các chi phí đi vay khác của toàn bộ nền kinh tế, như lãi suất thế chấp, lãi suất thẻ tín dụng và cho vay tiêu dùng. Nếu không có các dấu hiệu tích cực trong thời gian tới, các ngân hàng trung ương có thể quyết định tăng lãi suất hàng loạt khiến nguồn vốn bị thắt chặt, chi phí đầu tư tăng lên, giá cả hàng hóa, dịch vụ đắt đỏ, nguy cơ kìm hãm tăng trưởng kinh tế thế giới.
Chưa thể giúp giảm lạm phát về mức kỳ vọng 2%
Theo số liệu mới nhất, lạm phát tại Mỹ đã giảm xuống 5% trong tháng 12/2022 so với mức 5,5 % của tháng trước đó, nhưng vẫn cao hơn gấp đôi mức lạm phát kỳ vọng 2%. Tuy nhiên, mức độ lạm phát không chỉ phụ thuộc vào lãi suất mà còn nhiều yếu tố khác như giá dầu mỏ, lương thực thực phẩm, sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu… Chính vì thế, việc Mỹ tăng lãi suất ở mức tối thiểu lần này có thể không tác động nhiều đếu việc giảm lạm phát xuống mức kỳ vọng.
Cho đến nay, Mỹ đã 8 lần tăng tỷ lệ lãi suất, có nhiều lần tăng với biên độ đột biến cao nhất trong lịch sử nước Mỹ và việc lạm phát giảm một phần xuất phát từ kết quả của mức lãi suất cao nhất từ năm 2007 đến nay chứ không hẳn chỉ là một đợt tăng tối thiểu. Tác động của đợt tăng lãi suất lần này cũng không nhiều khi đây là động thái thăm dò của giới chức Cục Dữ trữ liên bang Mỹ về xu hướng lạm phát cũng như nguy cơ suy thoái trong thời gian tới để đưa ra quyết định tiếp tục tăng lên, giữ nguyên hay giảm đi trong thời gian tới.
Ngoài ra, mức lạm phát 2% là tỷ lệ lạm phát mục tiêu thực tế hoặc chính thức mới được một số ngân hàng trung ương và các tổ chức tài chính quốc tế đưa ra từ những năm 1990. Đây là mức lạm phát được giới tài chính đánh giá là phù hợp và giúp nền kinh tế phát triển. Việc giảm lạm phát bằng biện pháp tăng lãi suất nếu quá mức sẽ đẩy nền kinh tế vào nguy cơ suy thoái. Chính vì thế, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đang đặt câu hỏi, trong bối cảnh kinh tế tài chính toàn cầu có xu hướng không ổn định như hiện nay thì có nên thay đổi mức lạm phát kỳ vọng 2% hay không.
Nỗ lực giúp kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm”
Mục tiêu của Cục Dữ trự liên bang Mỹ hiện nay là tạo ra cái mà giới tài chính gọi là “cú hạ cánh mềm”, cho nền kinh tế Mỹ, nghĩa là vừa kiềm chế được lạm phát trong khi không gây ra tình trạng suy giảm kinh tế nghiêm trọng hoặc tình trạng thất nghiệp hàng loạt. Chiến lược sắp tới của Cục Dự trữ liên bang Mỹ có lẽ là không điều chỉnh chính sách tiền tệ một cách mạnh mẽ, ví dụ như tăng giảm lãi suất với biên độ lớn như trong năm 2022. Việc áp dụng chiến lược điều chỉnh dần dần sẽ giúp các quan chức nước này có thêm thời gian để đánh giá mức độ cần thiết của việc tiếp tục tăng lãi suất và thời gian duy trì lãi suất ở mức cao để kiểm soát hoàn toàn lạm phát.
Trong thời điểm hiện nay, lạm phát tại Mỹ đã chậm lại đáng kể, thị trường việc làm vẫn đang ở mức tốt và không phản ứng quá tiêu cực với biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ vừa qua. Tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý IV năm 2022 đạt 2,9%, mặc dù giảm 0,3 so với mức tăng trưởng 3,2% của quý trước đó, nhưng vẫn vượt mức kỳ vọng theo dự tính của giới chuyên gia. Đây là các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang vận hành gần như theo tính toán của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong thời gian vừa qua và không có lý do gì để giới chức Mỹ thay đổi chính sách này.
Để quyết định đưa ra các biện pháp tiếp theo, giới chức Mỹ không chỉ tính toán đến các yếu tố trong nước mà còn phải tính toán đến các yếu tố bên ngoài. Quyết định lãi suất sẽ dựa trên các yếu tố như tình hình tài chính, kinh tế, nguy cơ suy thoái, độ trễ chính sách, ảnh hưởng của lãi suất cao đến thị trường việc làm, sức mua của người tiêu dùng, chỉ số tâm lý thị trường…
Một yếu tố quan trọng đang được dư luận chờ đợi là chỉ số lạm phát tại Mỹ trong tháng 1 năm nay, dự kiến sẽ được công bố vào giữa tháng 2 này. Bên cạnh đó, giới chức Mỹ cũng phải tính toán đến tác động và xu hướng của cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn biến căng thẳng, việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 thậm chí là bạo lực tại Trung Đông tác động đến thị trường dầu mỏ toàn cầu./.
VietBF@ sưu tập