Căn cứ vào ảnh chụp CT, các chuyên gia phát hiện xác ướp 'cậu bé vàng' Ai Cập cổ đại được chôn cất cùng 49 bùa hộ mệnh. Trong số đó, nhiều bùa hộ mệnh được làm bằng vàng.
Các nhà nghiên cứu mới công bố kết quả chụp cắt lớp vi tính (còn gọi chụp CT) của xác ướp "cậu bé vàng". Theo đó, họ phát hiện xác ướp Ai Cập cổ đại này có tới 49 bùa hộ mệnh được đặt bên trong và xung quanh thi hài.
Trong số gần 50 bùa hộ mệnh, nhiều chiếc được làm từ vàng. Một số bùa hộ mệnh còn lại được làm từ đá quý, đất sét nung hoặc đồ sứ. Các bùa hộ mệnh có 21 hình dáng và kích thước khác nhau. Giới nghiên cứu đặc biệt chú ý đến bùa hộ mệnh hình con bọ hung hình trái tim làm bằng vàng được đặt trong ngực của "cậu bé vàng" và một chiếc lưỡi vàng ở bên trong miệng.
“Còn con bọ hung tim bằng vàng rất quan trọng ở thế giới bên kia. Nó sẽ bịt miệng trái tim vào Ngày phán xét, để không làm chứng chống lại người đã khuất. Nó được đặt trong khoang cơ thể trong quá trình ướp xác để thay thế trái tim bị tan rã”, Sahar Saleem - tác giả chính của nghiên cứu và là giáo sư về X quang tại Khoa Y, Đại học Cairo ở Ai Cập, cho hay.
Trong khi đó, chiếc lưỡi vàng được đặt bên trong miệng cậu bé được các nhà nghiên cứu cho rằng, người Ai Cập cổ đại làm vậy để cậu bé có thể nói chuyện với các vị thần ở thế giới bên kia.
Các chuyên gia tin rằng, 49 bùa hộ mệnh chôn cùng "cậu bé vàng" có ý nghĩa quan trọng đối với người chết trong hành trình sang thế giới bên kia. "Xác ướp này thể hiện niềm tin của người Ai Cập về cái chết và thế giới bên kia trong thời kỳ Ptolemaic", giáo sư Saleem cho hay.
Theo nhóm nghiên cứu, cậu bé bé cao khoảng 128 cm. Dựa trên mức độ hợp nhất của xương và việc răng khôn của cậu bé vẫn chưa mọc nên họ tin rằng người này qua đời khi dưới 15 tuổi.
Kết quả chụp CT cũng chỉ ra quy trình ướp xác của "cậu bé vàng". Sau khi qua đời, não của cậu bé được lấy ra qua mũi và hộp sọ được đổ đầy nhựa thông. Tất cả các cơ quan nội tạng quan trọng của cậu bé đã bị cắt bỏ qua một vết rạch, ngoại trừ trái tim vẫn được giữ nguyên trong lồng ngực.
Sở dĩ xác ướp có tên "cậu bé vàng" là vì đứa trẻ này được chôn cất cùng nhiều cổ vật vô cùng xa hoa. Trong đó, thi hài cậu bé được tìm thấy với một mặt nạ vàng và một tấm che ngực. Bên trong ngôi mộ có 2 quan tài lồng vào nhau. Trong đó, quan tài bên ngoài được khắc bằng tiếng Hy Lạp và chiếc còn lại nhỏ hơn làm bằng gỗ.
Xác ướp "cậu bé vàng" được tìm thấy tại một nghĩa địa cổ xưa ở Nag el-Hassay, miền nam Ai Cập vào năm 1916. Theo các chuyên gia, người Ai Cập cổ đại sử dụng nghĩa địa này để mai táng người chết trong khoảng năm 332 trước Công nguyên - 30 trước Công nguyên.
Sau khi được phát hiện, các chuyên gia chưa từng mở các lớp vải bọc xác ướp cậu bé vì sợ làm hư hại thi hài. Quan tài được đưa vào tầng hầm của Bảo tàng Ai Cập ở Cairo. Nghiên cứu gần đây được các chuyên gia tiến hành bằng phương pháp chụp cắt lớp CT nhằm bảo đảm sự nguyên vẹn của xác ướp "cậu bé vàng".