Xoa lưng, cho bé ợ hơi, kiểm tra bình sữa, thay đổi giờ ăn… có thể giúp trẻ khỏi cơn nấc cụt nhanh hơn.
Nấc cụt có thể xảy ra với bất kỳ ai, kể cả trẻ sơ sinh. Nấc cụt không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng khiến hoạt động vui chơi, ăn uống của trẻ bị cản trở. Trẻ có thể mệt mỏi nếu bị nấc cụt kéo dài.
Nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến cơn nấc cụt, trong đó các yếu tố kích hoạt chính như khí dư thừa trong dạ dày, kích ứng thực quản, ăn quá nhiều, quá nhanh hoặc nuốt không đúng cách. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng trẻ sơ sinh dành tới 2,5% thời gian để nấc cụt. Khi trẻ lớn lên, nấc cụt có xu hướng giảm dần.
Phụ huynh có thể áp dụng một số cách sau để giúp bé khỏi cơn nấc cụt.
Theo dõi thời gian nấc cụt: Phụ huynh nên lưu ý thời điểm bé bị nấc cụt. Nếu bé bị nấc sau khi bú thì nên điều chỉnh tư thế bú vào lần sau. Nếu sau mỗi bữa ăn trẻ bị nấc cụt, cũng nên xem lại thời điểm ăn và cách thức cho ăn.
Thay đổi tư thế: Khi cơn nấc cụt bắt đầu, phụ huynh có thể đặt bé nằm xuống hoặc đỡ ngồi dậy tùy thuộc vào tư thế lúc đó của bé. Thay đổi tư thế không phải lúc nào cũng ngăn được cơn nấc cụt của trẻ nhưng có thể giúp con dễ chịu hơn.
Chia nhỏ lượng thức ăn: Một số nghiên cứu cho thấy, bé ăn quá nhiều hoặc bú quá nhanh có thể dẫn đến nấc cụt. Dù bú mẹ hay bú bình, cho bé bú ít hơn một chút trong mỗi lần có thể giúp giảm các cơn nấc. Ngoài ra, ba mẹ cũng nên kiểm tra tốc độ bú của con. Uống quá nhanh có thể khiến trẻ nuốt vào nhiều không khí, gây ra nấc cụt.
Cho bé ợ hơi: Nấc cụt có thể do bong bóng khí dư thừa bị mắc kẹt trong khi bé ăn. Ợ hơi giúp làm sạch bong bóng khí khỏi thực quản của trẻ. Vì vậy, các mẹ nên cho con ợ hơi sau mỗi lần bú và ăn.
Xoa lưng: Người lớn có thể thử xoa lưng bé theo chuyển động tròn để giải phóng không khí dư thừa, giúp bé ngừng nấc cụt.
Ngậm núm vú giả: Chuyển động mút của núm vú giả có thể làm dịu em bé đang bị nấc và giảm co thắt cơ hoành.
Lưu ý, khi bé bị nấc, đừng cho bé uống nước, đừng úp ngược bé, dọa bé, kéo lưỡi hoặc cố gắng làm bé nín thở.
|