Thị trường năm nay sẽ chịu tác động từ nhóm cổ phiếu công nghệ, tình hình kinh tế Trung Quốc và quyết định của các ngân hàng trung ương.
Thống kê của Bloomberg cho thấy các thị trường chứng khoán toàn cầu năm 2022 đã bốc hơi kỷ lục 18.000 tỷ USD. Nguyên nhân là sự trượt dốc của lĩnh vực công nghệ, Covid-19 gia tăng ở Trung Quốc, và các ngân hàng trung ương không can thiệp để giải cứu thị trường.
Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI All-Country World cũng giảm hơn 20% năm ngoái, ghi nhận năm tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Nguyên nhân là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh tay, kéo lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lên hơn gấp đôi.
Sang năm 2023, chứng khoán toàn cầu sẽ phải vượt qua tất cả những rào cản này và thậm chí còn nhiều hơn nữa, nếu không muốn hai năm liên tiếp chìm trong sắc đỏ.
Nhà đầu tư có thể cảm thấy an ủi phần nào khi lịch sử cho thấy với các thị trường lớn, hai năm giảm liên tiếp là rất hiếm. Ví dụ, chỉ số S&P 500 chỉ ghi nhận 4 lần giảm 2 năm liên tiếp kể từ 1928. Tuy nhiên, điều đáng sợ là khi chúng diễn ra, sự sụt giảm trong năm thứ hai có xu hướng sâu hơn so với năm đầu.
Diễn biến giá trị thị trường trái phiếu, cổ phiếu toàn cầu. Đồ họa: Bloomberg
Theo giới phân tích, dưới đây là một số yếu tố sẽ định hình xu hướng của chứng khoán toàn cầu 2023:
Ngân hàng trung ương
Những người lạc quan cho rằng lãi suất toàn cầu sắp đạt đỉnh, có thể là vào tháng 3. Thị trường tiền tệ đang kỳ vọng Fed sẽ chuyển sang giảm lãi suất vào cuối năm 2023. Một cuộc khảo sát của Bloomberg cho thấy 71% nhà đầu tư hàng đầu thế giới kỳ vọng chứng khoán tăng năm 2023.
Vincent Mortier, Giám đốc đầu tư tại Amundi, khuyến nghị các nhà đầu tư phòng thủ năm nay. Ông dự báo chặng đường năm 2023 sẽ gập ghềnh, nhưng cho rằng "sự xoay trục của Fed trong nửa đầu năm có thể tạo ra các thời điểm thú vị để gia nhập thị trường".
Nhưng sau một năm gây bất ngờ cho cả những người đầu tư giỏi nhất và thông minh nhất, mọi người đều đã chuẩn bị tâm lý cho năm 2023. Một rủi ro là lạm phát vẫn ở mức quá cao, khiến các nhà hoạch định chính sách cảm thấy bất an và việc cắt giảm lãi suất vẫn có thể không thành hiện thực. Một mô hình phân tích kinh tế của Bloomberg cho thấy khả năng suy thoái kinh tế từ tháng 8 là 100%. Dù vậy, có vẻ như các ngân hàng trung ương sẽ không vội vàng nới lỏng chính sách tiền.
Sức khỏe của các 'Big Tech'
Một biến số lớn khác là giá trị của các đại gia công nghệ (Big Tech) sẽ thế nào, sau khi chỉ số Nasdaq 100 mất tới 35% năm ngoái. Cổ phiếu các công ty như Meta và Tesla đã giảm khoảng 70% giá trị. Cổ phiếu Amazon và Netflix thì mất gần nửa hoặc hơn nửa.
Các cổ phiếu công nghệ được định giá cao sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi lãi suất tăng. Các xu hướng vốn hỗ trợ sự phát triển của công nghệ trong những năm gần đây cũng có thể đảo chiều.
Suy thoái kinh tế có nguy cơ ảnh hưởng đến nhu cầu iPhone. Trong khi đó, quảng cáo trực tuyến sụt giảm ảnh hưởng đến nguồn thu của Meta và Alphabet. Trong khảo sát của Bloomberg, chỉ khoảng một nửa số người được hỏi cho biết sẽ mua cổ phiếu công nghệ năm nay.
"Một số tên tuổi công nghệ sẽ quay trở lại đỉnh cao, vì họ đã làm rất tốt trong việc thuyết phục khách hàng sử dụng, như Amazon. Nhưng những cái tên khác có thể sẽ không bao giờ đạt đến mức này nữa", Kim Forrest - Giám đốc đầu tư của Bokeh Capital Partners - nhận định.
Lợi nhuận đi xuống
Lợi nhuận của các cổ phiếu từng đứng vững trước đây được cho là sẽ sụp đổ vào năm 2023. Nguyên nhân là tỷ suất lợi nhuận chịu sức ép và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.
Mike Wilson, Giám đốc đầu tư Morgan Stanley, cho rằng chỉ số lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) của các mã trong S&P 500 chỉ vào khoảng 180 USD. Theo ông, cuộc suy thoái lợi nhuận sắp tới có thể sánh ngang với năm 2008 và thị trường hiện vẫn chưa phản ánh chính xác điều này.
Kinh tế Trung Quốc
Quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế chống dịch nghiêm ngặt mới đây của Bắc Kinh là một bước ngoặt đối với "Chỉ số Trung Quốc" (China Index) của MSCI. Năm 2022, chỉ số này đã giảm 24%, là nguyên nhân chính khiến chứng khoán toàn cầu đi xuống.
Tuy nhiên, đà phục hồi kéo dài một tháng trên thị trường Trung Quốc đại lục và Hong Kong gần đây đã chấm dứt, khi số ca nhiễm Covid-19 tăng đe dọa sự phục hồi kinh tế. Nhiều quốc gia đã bắt đầu yêu cầu xét nghiệm đối với khách du lịch đến từ Trung Quốc. Đây sẽ là điều tiêu cực đối với cổ phiếu du lịch, giải trí và hàng xa xỉ toàn cầu.
Giao dịch quyền chọn bùng nổ
Năm 2022 chứng kiến sự bùng nổ của giao dịch quyền chọn ngắn hạn (short-term options trading). Thị trường này gần đây vẫn bị các nhà đầu tư nhỏ lẻ chi phối, nhưng đã bắt đầu có sự tham gia của các nhà đầu tư chuyên nghiệp và các tổ chức hỗ trợ thuật toán.
Điều này có thể khiến thị trường chứng khoán gập ghềnh hơn trong năm nay, gây ra những đợt biến động đột ngột. Ví dụ như biến động lớn trong ngày báo cáo lạm phát tháng 10 của Mỹ được công bố.
Cuối cùng, với việc S&P 500 không thể thoát khỏi xu hướng giảm năm 2022, giới phân tích vẫn nghiêng về phía giảm cho dự báo năm nay. Nhưng nếu thị trường quay đầu, động lực phục hồi sẽ mạnh mẽ hơn.