Gã khổng lồ công nghệ Mỹ Amazon đã chứng kiến làn sóng nhân viên của họ liên tục bỏ việc trong năm vừa qua. Các tài liệu của Engadget báo cáo rằng tỷ lệ nhân viên nghỉ việc tại Amazon đã tăng lên tới 150%.
Thông tin này là dấu hiệu mới nhất cho thấy Amazon đang gặp vấn đề nghiêm trọng trong việc giữ chân nhân viên. Ước tính, tỷ lệ tiêu hao nhân sự này khiến Amazon tiêu tốn gần 8 tỷ USD mỗi năm trong nhóm hoạt động lĩnh vực tiêu dùng toàn cầu của mình.
Trên thực tế, có một số lí do đóng vai trò tất yếu trong mức tiêu hao khổng lồ này mà quan trọng nhất, công ty dường như không có dấu hiệu quan tâm đến việc thúc đẩy từ bên trong hay chính những nhân viên của họ.
Amazon là một tổ chức khổng lồ khi sở hữu gần 2 triệu người trên toàn cầu. Kể từ năm 2018, tổng số nhân viên của Amazon đã tăng hơn 20% mỗi năm thậm chí con số này đã tăng đáng kể lên mức 62% tính riêng từ năm 2019 đến năm 2020.
Phần lớn công việc tại Amazon liên quan đến việc chuyển hàng hóa từ người bán đến nhà kho, rồi từ nhà kho đến người tiêu dùng. Điều này dẫn đến hầu hết những người làm việc cho công ty đều thấy đây là công việc tương đối tẻ nhạt và nhàm chán khi công việc lặp đi lặp lại hằng ngày. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những công việc kể trên thường tạo ra xu hướng nghỉ việc cao hơn của nhân viên và Amazon cũng không phải ngoại lệ.
Ngoài ra, một lượng lớn nhân viên Amazon bỏ việc cũng đến từ việc tăng số lượng nhân viên tuyển dụng vào năm 2020 do những thách thức đặc biệt của đại dịch COVID-19. Với việc mọi người bị mắc kẹt ở nhà trong thời gian dài, các dịch vụ giao hàng và bán lẻ kỹ thuật số ngày càng trở nên quan trọng. Hơn nữa, nhu cầu mọi người mua sắm trực tuyến càng tăng cao. Trong thời điểm ấy, Amazon đã nắm bắt thời cơ để dẫn đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử, dẫn đến nhu cầu số lượng nhân viên tăng chóng mặt.
Khi dịch bệnh được ổn định, mọi người có thể chủ động đi lại mà không phụ thuộc vào mua bán trên các sàn thương mại điện tử nữa, số lượng nhân viên được tuyển dụng thêm ở trước đây bỗng chốc thành người thừa. Điều này đồng nghĩa Amazon phải cắt bỏ lượng nhân sự kể trên để tái cấu trúc công ty.
Gã khổng lồ Amazon cũng nổi tiếng với các hoạt động giám sát năng suất và giám sát chặt chẽ. Có 1 báo cáo chỉ ra rằng nhân viên kho hàng tại Amazon dự kiến phải di chuyển được khoảng 4.000 hàng hóa trong một ca làm việc. Tuy nhiên, không phải bất cứ nhân viên nào cũng đạt được con số kể trên dẫn đến sự thiếu hiệu quả trong công tác sắp xếp hàng hoá. Vì vậy, quy trình giám sát của Amazon đã dẫn đến việc sa thải tự động hàng trăm nhân viên.
VietBF @ Sưu tầm