Grant Wahl qua đời do vỡ túi phình động mạch chủ trong lúc tác nghiệp trận Argentina - Hà Lan ở World Cup 2022.
Wahl, 49 tuổi, là nhà báo thể thao nổi tiếng ở Mỹ. Ngày 9/12, anh đã gục xuống khi đang đưa tin về World Cup ở Qatar và không tỉnh lại. Ngày 14/12, vợ của anh, Tiến sĩ Celine Gounder, tiết lộ chồng cô mất do vỡ túi phình động mạch chủ. Đó là kết quả khám nghiệm tử thi do Văn phòng Giám định Y tế New York thực hiện.
Chứng phình động mạch chủ là tình trạng hiếm gặp nhưng có thể gây chết người.
Nhà báo Grant Wahl (phải) và vợ, Tiến sĩ Celine Gounder. Ảnh: CBS
Tiến sĩ Gounder chia sẻ: “Chồng tôi mất vì vỡ túi phình động mạch chủ nhưng không được phát hiện, xuất huyết màng tim. Không có phương pháp hô hấp nhân tạo hay sốc điện nào có thể cứu được anh ấy".
Tiến sĩ Eric Isselbacher, đồng giám đốc Trung tâm Động mạch chủ ngực tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ), nói với ABC News: “Khi một người còn trẻ và có vẻ khỏe mạnh đột ngột qua đời, chúng tôi nghĩ khả năng họ mắc bệnh nền”.
Phình động mạch chủ là gì?
Động mạch chủ là động mạch chính mang máu từ tim đến phần còn lại của cơ thể và não. Phình động mạch chủ là chỗ phình giống như quả bóng trong động mạch chủ. Chứng phình động mạch làm suy yếu một phần của động mạch, dễ khiến động mạch bị vỡ.
Xuất huyết màng tim xảy ra khi máu được tìm thấy trong mô xung quanh tim, rất có thể liên quan đến chứng phình động mạch chủ. Nếu mô xung quanh tim có một lượng máu nhất định sẽ ngăn tim bơm máu đúng cách tới các nơi khác trong cơ thể.
Các bác sĩ cho biết phình động mạch chủ phát triển chậm theo thời gian, giống như trường hợp nhà báo Wahl, có thể không có bất kỳ triệu chứng liên quan nào cho đến khi phình to hoặc vỡ. Nếu phình động mạch bị bóc tách hoặc vỡ ra, người bệnh có thể cảm thấy đau nhói ở ngực, khó thở, lú lẫn hoặc bất tỉnh.
Gần đây, Wahl đã trải qua một số triệu chứng cảm lạnh và được điều trị viêm phế quản. Vợ anh cũng cho rằng: “Cảm giác tức ngực mà anh ấy trải qua ngay trước khi mất có thể là triệu chứng ban đầu”.
Các bác sĩ giải thích một số triệu chứng của chứng phình động mạch chủ đang phát triển có thể tương tự nhiễm trùng đường hô hấp như ho, khó chịu ở ngực. Cấp cứu y tế bằng cách sử dụng máy khử rung tim cũng khó có khả năng cứu sống Wahl. Chỉ phẫu thuật mới khắc phục được phình động mạch chủ bị vỡ.
Ai có nguy cơ mắc bệnh?
Tình trạng này rất hiếm. Hiện chưa có khuyến nghị về xét nghiệm sàng lọc thông thường cho chứng phình động mạch chủ. Một nghiên cứu gần đây đã ước tính tỷ lệ phình động mạch chủ ngực khoảng 0,16% dân số. Phình động mạch chủ bụng hay xảy ra ở những người cuối 60 tuổi trở lên, người hút thuốc, huyết áp cao hoặc cholesterol cao.
Trong khi đó, chứng phình động mạch ở ngực thường không do các yếu tố nguy cơ điển hình đó và có xu hướng do sự bất thường của động mạch chủ bẩm sinh hoặc di truyền.
Tiến sĩ Isselbacher giải thích: “Mọi người không biết liệu họ có thể mắc bệnh hay không. Nhưng có một vài manh mối cho thấy bạn có nguy cơ mắc bệnh”.
Điều quan trọng là bạn phải biết tiền sử gia đình như có người mắc các vấn đề về nhịp tim, mất khi còn trẻ, van động mạch chủ hai mảnh… Nếu biết trước, bạn có thể tìm cách phòng ngừa.
Đa số bệnh nhân bị phình động mạch chủ phát hiện bệnh một cách tình cờ. "Họ bị ho nên đã chụp X-quang ngực. Họ hút thuốc nên chụp CT để sàng lọc ung thư phổi. Họ bị đánh trống ngực và được siêu âm tim. Sau đó, kết quả khám cho thấy động mạch chủ phình to", Tiến sĩ Isselbacher nói.
Theo CDC Mỹ, chứng phình động mạch chủ cũng có thể liên quan đến huyết áp cao, chấn thương đột ngột và rối loạn mô liên kết di truyền như hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers-Danlos, mặc dù bệnh cũng xảy ra ở những người không có yếu tố nguy cơ nào.
VietBF @ Sưu tầm