Người bệnh trào ngược dạ dày có thể khó thở, khàn tiếng, đau, tức ngực… tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh hen suyễn.
Người bệnh trào ngược dạ dày (GERD) thường có các triệu chứng như thở khò khè, ho, khó thở do axit dạ dày vào phổi khi ngủ dẫn đến sưng tấy đường thở. Đây là nguyên nhân thường gặp gây khó thở. Nghiên cứu về bệnh trào ngược dạ dày thực quản của Đại học Saint Louis (Mỹ) cho thấy, trào ngược dạ dày là nguyên nhân không được phát hiện sớm của bệnh bệnh hen suyễn và các vấn đề về đường hô hấp.
Axit dạ dày có thể đi vào phổi, cổ họng, kích thích các bộ phận này gây viêm phổi, hẹp đường thở hoặc kích ứng đường hô hấp trên. Trường hợp axit dạ dày gây kích ứng đường hô hấp trên, người bệnh thường bị chảy nước mũi, ho, tức ngực.
Nếu không điều trị sớm, trào ngược dạ dày có thể dẫn đến bệnh hen suyễn, nhiễm trùng xoang, loét, tổn thương phổi, tắc thở, ho mạn tính, khàn giọng, viêm thanh quản... Theo Cleveland Clinic, người mắc bệnh hen suyễn có khả năng bị trào ngược dạ dày cao gấp đôi so với người bình thường.
Khó thở vì trào ngược dạ dày ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Ảnh: Freepik
Nghiên cứu năm 2019 của Đại học Gachon (Hàn Quốc) cho thấy mối quan hệ hai chiều giữa trào ngược dạ dày và bệnh hen suyễn. Cụ thể, những người bị trào ngược dạ dày nhiều khả năng bị hen suyễn và ngược lại.
Một nghiên cứu năm 2015 của Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) trên 60 người ước tính có 89% người mắc bệnh hen suyễn gặp các triệu chứng trào ngược axit. Nguyên nhân là do axit trong thực quản gửi tín hiệu cảnh báo đến não, khiến đường thở bị co lại, gây ra các triệu chứng hen suyễn.
Nhằm kiểm soát tình trạng trào ngược dạ dày gây khó thở, người bệnh cần đi khám để được bác sĩ tư vấn các biện pháp điều trị. Dưới đây là những cách đơn giản giúp giảm khó thở do trào ngược axit dạ dày.
Lên kế hoạch ăn uống: Chế độ ăn uống có tác động đáng kể đến người bệnh trào ngược dạ dày. Mỗi người cần ăn các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, tránh những loại thực phẩm chứa nhiều chất béo, chiên, cay, nóng, cà phê, nước uống có ga. Người bệnh không ăn trong 3 giờ trước khi đi ngủ, chia 3 bữa ăn chính thành nhiều bữa nhỏ, tránh ăn vặt trước khi đi ngủ hoặc các bữa ăn chính.
Thay đổi lối sống: Người bệnh cần tập thể dục thường xuyên, giảm cân, tránh béo phì, bỏ hút thuốc lá, uống rượu. Hút thuốc và uống rượu có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của căn bệnh này. Khi ngủ, người bệnh nên nâng cao đầu trong 6-8 giờ và nằm nghiêng về bên trái. Người bị trào ngược dạ dày không nên đeo thắt lưng và quần áo chật gây áp lực lên bụng, tránh nằm trong 3 hoặc 4 giờ sau khi ăn no.
Uống thuốc: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị trào ngược dạ dày cho người bệnh như thuống trung hòa axit dạ dày, thuốc ngăn chặn quá trình sản xuất axit dạ dày...
Nếu cảm thấy khó thở đột ngột hoặc tình trạng trào ngược dạ dày gia tăng, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ để được khám, chữa trị kịp thời.