Viêm hang vị dạ dày không đáng lo ngại nhưng nếu diễn biến lâu dài có thể gây viêm teo, dẫn đến nhiều biến chứng như xuất huyết dạ dày, ung thư.
Do vị trí nằm ngang trong dạ dày nên hang vị tiếp xúc thức ăn với diện tích lớn. Khi lớp niêm mạc ở phần hang vị bị kích thích và tổn thương, nguy cơ viêm loét cao hơn so với những khu vực khác trong dạ dày như tâm vị, phình vị hay môn vị. Viêm hang vị dạ dày có thể xảy ra ở nhiều người, thường gặp nhất là người trung niên và trên 60 tuổi.
Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, những tổn thương ở niêm mạc hang vị dạ dày làm giảm chất lượng sống, do người bệnh phải chịu đựng những cơn đau bụng âm ỉ kéo dài. Bệnh còn ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, nhất là khi là viêm hang vị dạ dày kèm theo nhiễm khuẩn H.P hoặc người bệnh thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá.
Nếu kiểm soát không đúng cách hoặc điều trị không triệt để, tình trạng viêm có thể tái phát, kéo dài dai dẳng hoặc tiến triển phức tạp. Lúc này, người bệnh có thể đối mặt với những nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Xuất huyết dạ dày: Đây là biến chứng thường gặp nhất. Các ổ viêm, sưng ở hang vị có thể bị axit dịch vị bào mòn, hình thành các vết loét. Khi vết loét lan rộng và ăn sâu vào thành dạ dày, quá trình co bóp và nhào trộn thức ăn có thể khiến những mạch máu bị tổn thương, gây chảy máu.
Nếu bị xuất huyết dạ dày, người bệnh thường có biểu hiện đau bụng, nổi gò vùng thượng vị, buồn nôn, nôn ra máu, đại tiện phân lẫn máu hoặc có màu đen. Biến chứng xuất huyết dạ dày có thể khiến người bệnh bị thiếu máu cấp nên cần được nhập viện sớm để cầm máu.
Những cơn đau bụng âm ỉ ở người bệnh viêm hang vị dạ dày làm giảm chất lượng sống. Ảnh: Freepik
Thủng dạ dày: Những cơn đau đột ngột, dữ dội, gồng cứng bụng xảy ra sau khi bị chảy máu có thể là dấu hiệu của thủng ổ loét dạ dày.
Hẹp môn vị: Tình trạng này thường xảy ra khi có ung thư vùng hang vị hay lỗ môn vị. Đau bụng liên tục, nôn ra máu, có mùi hôi là biểu hiện đặc trưng của người bệnh khi gặp biến chứng này.
Ung thư dạ dày: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất, thường xảy ra trong trường hợp viêm hang vị do vi khuẩn HP. Tình trạng viêm kéo dài có thể diễn biến thành viêm teo niêm mạc dạ dày, dị sản ruột, loạn sản, cuối cùng là ung thư dạ dày. Theo Tiến sĩ Khanh dẫn các nghiên cứu cho thấy, khoảng 5-7% trường hợp người bị viêm teo niêm mạc dạ dày trên 10 năm có khả năng chuyển biến thành ung thư. Nếu gặp phải biến chứng này, người bệnh thường có dấu hiệu đau bụng liên tục, khó tiêu, nôn ra thức ăn hoặc ra máu, có mùi hôi.
Viêm hang vị dạ dày có các triệu chứng tương tự bệnh viêm dạ dày nói chung. Ở thể nhẹ, bệnh không biểu hiện triệu chứng đặc trưng nên dễ bỏ qua. Lúc này, niêm mạc hang vị mới chỉ có những vết xung huyết, trợt nông (vết loét thường nông và phẳng). Hầu hết, trường hợp phát hiện bệnh sớm đều nhờ tình cờ nội soi.
Tiến sĩ Khanh khuyên, khi bị viêm hang vị dạ dày, người bệnh không nên chủ quan, cần khám và tư vấn theo dõi hoặc điều trị khi cần theo chỉ định của bác sĩ. Tránh mua thuốc tự điều trị hoặc dùng lại đơn thuốc của người khác do có thể khiến bệnh diễn biến xấu, khó kiểm soát. Để cải thiện tình trạng viêm, người bệnh có thể chia nhỏ các bữa ăn, hạn chế các thực phẩm gây kích ứng dạ dày như chua, cay, chiên rán. Tránh uống rượu bia nhiều, tập thể dục thường xuyên; giải tỏa căng thẳng cũng là cách giúp giảm triệu chứng bệnh.