Tham vọng siêu ứng dụng của tỷ phú giàu nhất hành tinh. CEO Tesla - Elon Musk cho biết thương vụ mua lại Twitter gây nhiều tranh cãi sẽ là chất xúc tác để tạo ra một siêu ứng dụng cung cấp mọi thứ.
Sau khi nối lại thỏa thuận mua lại Twitter, Elon Musk cho biết thương vụ là "chất xúc tác" để tạo ra một siêu ứng dụng. Ảnh: Reuters.
Hôm 4/10, Bloomberg đưa tin CEO Tesla Elon Musk đã gửi một bức thư tới Twitter để nối lại thỏa thuận mua mạng xã hội với giá 54,2 USD/cổ phiếu.
Trong một dòng tweet được đăng mới đây, tỷ phú giàu nhất thế giới cho biết việc mua lại Twitter là "chất xúc tác để tạo ra X, siêu ứng dụng cho mọi thứ".
Musk không đưa thêm thông tin nào ngoài một dòng tweet. Nhưng theo Bloomberg, dựa trên những nhận xét trước đây của Musk, ứng dụng đó có thể giống với siêu ứng dụng WeChat của Trung Quốc.
Musk muốn nối lại thỏa thuận mua lại Twitter. Ảnh: Reuters.
Musk học được gì từ WeChat?
Trước đây, ông chủ Tesla đã bày tỏ sự ngưỡng mộ với ứng dụng của Tencent Holdings. Từ một dịch vụ nhắn tin, ứng dụng nhanh chóng phát triển thành một mạng lưới với hơn 1 tỷ người sử dụng mỗi ngày.
Musk cho biết muốn biến Twitter thành một ứng dụng hữu ích hơn và sẽ học hỏi từ WeChat và TikTok, ứng dụng chia sẻ video ngắn của ByteDance đã phát triển thần tốc ở Mỹ.
"Ứng dụng X" của Elon Musk cũng có thể giống với các siêu ứng dụng phổ biến ở châu Á, cho phép người dùng sử dụng mọi dịch vụ từ nhắn tin, gọi điện đến gọi xe thông qua một ứng dụng duy nhất.
Bloomberg chỉ ra 5 điều mà Musk có thể học hỏi từ WeChat. Đầu tiên, ứng dụng của Tencent không chỉ là một mạng xã hội. Hàng trăm triệu người Trung Quốc sử dụng WeChat để gọi xe, đặt chỗ tại nhà hàng và mua đồ ăn.
Nhìn chung, WeChat hoạt động như một dịch vụ "tất cả trong một", là sự kết hợp của Facebook, Twitter, Uber, Instagram và Substack
Bloomberg
Các dịch vụ được cung cấp cho người dùng thông qua một mạng lưới gồm nhiều chương trình nhỏ hoặc ứng dụng bản rút gọn, được kết nối trực tiếp với giao diện của WeChat.
Hơn nữa, WeChat là một gã khổng lồ fintech (công nghệ tài chính), nằm trong nhóm những mạng lưới thanh toán và tài chính trực tuyến lớn nhất Trung Quốc. Thông qua ứng dụng, người dùng có thể gửi tiền cho nhau, thanh toán hàng hóa và dịch vụ, thậm chí vay tiền.
WeChat cũng là một trong những cổng thông tin giải trí và tin tức phổ biến nhất tại Trung Quốc. Ở cả Mỹ và Trung Quốc, ngày càng nhiều người dùng trẻ tuổi cập nhật tin tức thông qua mạng xã hội.
Ứng dụng của Tencent cũng phổ biến với các doanh nghiệp. Các hoạt động kinh doanh thông qua những chương trình nhỏ trong hệ sinh thái WeChat trị giá khoảng 240 tỷ USD với 450 triệu người dùng vào năm 2021.
"Nhìn chung, WeChat hoạt động như một dịch vụ 'tất cả trong một', là sự kết hợp của Facebook, Twitter, Uber, Instagram và Substack", Bloomberg nhận định.
Tự do Internet
Tại cuộc họp cổ đông thường niên của Tesla diễn ra vào tháng 8, Musk nhấn mạnh rằng ông sử dụng Twitter rất nhiều và đã nghĩ ra những ý tưởng để cải thiện ứng dụng này.
Vị tỷ phú so sánh tham vọng dành cho Twitter với X, một công ty dịch vụ tài chính được Musk thành lập vào năm 1999.
Tuy nhiên, WeChat được giám sát và kiểm duyệt gắt gao tại Trung Quốc. Điều này đi ngược với quan điểm của Musk, một người ủng hộ quyền tự do Internet.
Trước đó, Musk đã cố thu thập ý kiến cộng đồng về các tính năng của Twitter. Ông hỏi hơn 83 triệu người theo dõi trên Twitter có muốn một số thay đổi nhất định hay không.
"Tự do ngôn luận là nền tảng của một nền dân chủ và Twitter là quảng trường kỹ thuật số, nơi mọi người tranh luận về những vấn đề quan trọng với tương lai nhân loại", Musk nói khi công bố thỏa thuận ngày 25/4.
Cách Musk sử dụng Twitter đã gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Reuters.
"Tôi muốn làm Twitter trở nên tốt hơn bằng cách nâng cao sản phẩm với những tính năng mới, biến các thuật toán thành mã nguồn mở để tăng độ tin cậy, loại bỏ thư rác và xác thực tất cả người dùng", ông nói thêm.
"Twitter có tiềm năng to lớn - tôi mong muốn hợp tác với công ty và cộng đồng người dùng để khai thác tối đa", CEO Tesla nhấn mạnh.
Trên thực tế, cách Musk sử dụng Twitter cũng gây nhiều tranh cãi. Ông chia sẻ mọi thứ từ hướng đi của công ty, chỉ trích các chính trị gia, cho đến những nhận xét làm biến động thị trường tiền mã hóa.
Tỷ phú giàu nhất thế giới cũng bị chỉ trích vì làm chao đảo các thị trường tài chính chỉ bằng những bình luận trên Twitter.
VietBF@ sưu tập