Người mắc bệnh tiểu đường có thể khó thở do lượng đường trong máu tăng hoặc giảm đột ngột, ảnh hưởng đến hệ hô hấp.
Theo Very Well Health, khó thở, chóng mặt là hai triệu chứng có thể xảy ra khi lượng đường trong máu cao bất thường. Đây cũng là dấu hiệu cảnh báo biến chứng nghiêm trọng là nhiễm toan ceton gây rối loạn nội tiết, chuyển hóa trong cơ thể.
Nhiễm toan ceton do tiểu đường xảy ra khi cơ thể tạo ra quá ít insulin (hormone được từ tuyến tụy) hoặc kháng lại insulin, không chuyển đổi carbohydrate thành glucose để tạo năng lượng. Khi cơ thể phân hủy chất béo, ceton được thận đào thải qua nước tiểu. Trường hợp ceton tích tụ nhanh bất thường, cơ thể phải cố gắng sử dụng phổi nhằm đào thải lượng ceton thừa, gây khó thở.
Ngoài khó thở, nhiễm toan ceton có thể gây chóng mặt, buồn nôn, nôn, miệng khô, hơi thở có mùi. Trường hợp gặp biến chứng nặng có thể bất tỉnh, phải nhập viện cấp cứu. Bác sĩ có thể điều trị insulin dưới dạng tiêm hoặc truyền qua tĩnh mạch. Bệnh nhân được theo dõi đến khi nồng độ ceton giảm, mức insulin ổn định. Bệnh nhân tiểu đường còn cảm thấy khó thở do đường huyết trong máu tăng, giảm đột ngột. Tương tự như nhiễm toan ceton, cơ thể thiếu hoặc quá thừa glucose, chức năng của phổi và hô hấp bị ảnh hưởng.
Người bệnh có thể xuất hiện thêm các triệu chứng như đau bụng, khô miệng, khát cực độ, run rẩy, cơ thể suy nhược, lo lắng... Nếu không phát hiện sớm, tình trạng khẩn cấp hôn mê tiểu đường xảy ra, nguy hiểm tính mạng. Tuy theo tình trạng tăng hay hạ đường huyết mà bác sĩ điều trị phù hợp.
Khó thở là dấu hiệu của biến chứng tiểu đường. Ảnh: Freepik
Sau khi kết thúc quá trình điều trị ban đầu, bệnh nhân cần tái khám nhằm kiểm tra, đánh giá sức khỏe. Mỗi người cần thực hiện các biện pháp phòng hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết như: theo dõi mức đường huyết thường xuyên, chuẩn bị sẵn viên đường glucose khẩn cấp, mang theo giấy tờ tùy thân...
Với người mắc tiểu đường, khó thở còn là dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch. Bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ cao so với người bình thường. Trong thời gian điều trị, lượng đường glucose trong máu có thể tăng cao khiến mạng lưới mạch máu, dây thần kinh xung quanh tim tổn thương.
Khó thở là một trong những dấu hiệu đầu tiên của cơn đau tim, đột quỵ, tiếp đến là đổ nhiều mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt, đau cánh tay, hàm, ngực, bụng trên, lưng, nói lắp... Với người có các triệu chứng này, bác sĩ sẽ đo huyết áp, xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe toàn diện nhằm đánh giá mức cholesterol và lượng đường trong máu.
Người bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ cao suy thận dẫn đến khó thở. Tình trạng này xảy ra do thận không hoạt động bình thường, chất lỏng tích tụ trong cơ thể trào ngược vào tim, phổi. Lúc này, các triệu chứng có thể gặp như sưng bàn chân, tay, mắt cá chân, mắt, buồn nôn, mất tập trung, mệt mỏi.
Theo thời gian, phổi của những người mắc bệnh tiểu đường type 1 có thể giảm khả năng vận chuyển oxy đến các tế bào hồng cầu nhằm cung cấp oxy cho cơ thể. Tình trạng này xảy ra có thể do mạch máu trong phổi thay đổi, dẫn đến mức oxy thấp.
Người bệnh tiểu đường cảm thấy khó thở cần gặp bác sĩ để điều trị sớm. Thực hiện các xét nghiệm giúp đánh giá mức đường huyết, tình trạng nhiễm toan ceton và chức năng thận.