Với nhiều người Mỹ, giá xăng lao dốc giúp gánh nặng tài chính giảm đi đáng kể, nhưng họ vẫn sợ rằng mức giá này sẽ không kéo dài lâu.
Theo New York Times, giá xăng tại Mỹ đã giảm xuống dưới 4 USD/gallon hôm 11/8, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 3. Đây là tin tốt với hàng triệu người Mỹ đang lao đao vì lạm phát kỷ lục.
Theo AAA Gas Prices, giá xăng trung bình trên toàn nước Mỹ đang ở mức 3,99 USD/gallon. Dù vẫn cao hơn một năm trước đó, giá xăng đã thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 5,02 USD/gallon hồi tháng 6. Mức giá trung bình ghi nhận chuỗi giảm kéo dài 58 ngày.
Giá dầu thô toàn cầu đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
"Lo ngại suy thoái ở những nền kinh tế lớn đè nặng lên triển vọng nhu cầu dầu, khiến giá lao dốc mạnh kể từ đầu tháng 6", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Mỹ - giải thích với Zing.
Giá xăng trung bình tại Mỹ vừa giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3. Ảnh: New York Times.
Giảm bớt gánh nặng
Nhu cầu xăng dầu cũng sụt giảm khi giá tăng lên quá cao. Khi người tiêu dùng Mỹ giảm lái xe ra đường, giá xăng đã hạ nhiệt phần nào. Ngoài ra, một số bang còn cắt giảm thuế nhiên liệu để giảm giá.
Hôm 11/8, OPEC (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa) đã điều chỉnh giảm dự báo đối với nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay.
Cụ thể, trong báo cáo hàng tháng, OPEC dự báo nhu cầu dầu năm 2022 sẽ tăng khoảng 3,1 triệu thùng/ngày, giảm 260.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó, với lý do tác động của việc các nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Chi phí nhiên liệu ảnh hưởng đến lạm phát. Do đó, giá xăng sụt giảm là tin tốt với những nhà hoạch định chính sách, vốn đang chật vật hạ nhiệt giá cả.
Tuy nhiên, giá xăng có thể thay đổi theo từng khu vực tại Mỹ. Ở bang California, những quy định nhằm hạn chế ô nhiễm khiến giá xăng trở nên đắt đỏ hơn.
Theo giới quan sát, giá xăng hạ nhiệt có thể là chiến thắng của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhất là khi lạm phát đang tạo sức ép lớn lên Washington. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không rõ đà giảm giá nhiên liệu sẽ kéo dài bao lâu. Nguyên nhân là giá dầu luôn biến động và bị chi phối bởi nhiều yếu tố.
Với người tiêu dùng Mỹ, khi nền kinh tế suy yếu và lạm phát tăng cao, giá xăng giảm có thể giúp họ thở phào. "Khi dịch bệnh mới liên tục xuất hiện và giá cả leo thang, mọi người đều tin rằng một cuộc suy thoái sẽ xảy ra", cô Zindy Contreras, một sinh viên làm phục vụ bán thời gian ở Los Angeles - chia sẻ.
Vì giá xăng tăng cao, cô Contreras chỉ dám đổ nửa bình xăng cho chiếc Mazda 3 của mình. Để tiết kiệm tiền, cô thường đi chung xe với bạn bè. Những ngày vừa qua, cô Contreras có thể đổ xăng 2 lần một tuần khi giá đã hạ nhiệt.
Theo cuộc khảo sát mới đây của AAA Gas Prices, gần 2/3 số người được hỏi cho biết đã thay đổi thói quen lái xe vì giá cả tăng cao. Đa số lái xe ít hơn hoặc kết hợp làm nhiều việc một lúc mỗi khi ra đường.
Theo New York Times, dù nguyên nhân là gì, giá xăng sụt giảm là tin tốt với các tài xế ở Mỹ. Khi đại dịch Covid-19 qua đi, họ vẫn khó quay trở lại cuộc sống bình thường vì giá xăng và những mặt hàng thiết yếu khác tăng quá nhanh.
"Khi nhìn vào số tiền phải trả tại các trạm xăng, nhiều người Mỹ nhận ra rằng sức mua của họ đang giảm xuống nghiêm trọng", bà Beth Ann Bovino - nhà kinh tế trưởng tại S&P Global - bình luận.
"Vì vậy, khi giá giảm xuống, đó là tin tốt cho những người tiêu dùng đang gặp khó khăn", bà nói thêm.
Tương lai khó đoán
Giá xăng giảm cũng là tin tốt với nền kinh tế khi chi phí nhiên liệu của doanh nghiệp giảm đi. Nếu chi phí đầu vào tăng cao, doanh nghiệp có thể chuyển chi phí sang cho khách hàng và đẩy lạm phát lên cao hơn nữa.
"Nếu giá xăng lại tăng thêm nữa, tôi sẽ phải chật vật để đổ đầy bình xăng", cô Christina Beliard, một influencer trong lĩnh vực thời trang ở Bridgeport (bang Connecticut), chia sẻ.
Cô Beliard đã mua một chiếc Jeep Wrangler vào năm ngoái. Nhưng giờ cô thấy hối hận vì chiếc xe mới không tiết kiệm nhiên liệu như chiếc Toyota Camry trước đây.
Đặc thù công việc buộc cô phải di chuyển thường xuyên. Cô Beliard thường tự lái xe đến những địa điểm khác nhau để quay hình cho các bài đăng quảng cáo trên Facebook, Instagram. Cô cũng tham dự những sự kiện ở New York, cách nhà khoảng 97 km.
Bang Connecticut đã hoãn thuế xăng dầu đến hết tháng 11. Nhờ vậy, cô Beliard chỉ phải chi 74-80 USD mỗi tuần để đổ xăng, thay vì 95-100 USD như trước đây. Nhưng cô vẫn thấy lo lắng. "Tôi không biết mức giá này sẽ được giữ trong bao lâu", cô Beliard chia sẻ.
Đó là một câu hỏi khó. Giá dầu luôn biến động khó đoán và chịu tác động bởi vô số yếu tố khác nhau. Các chuyên gia chỉ ra một số nguyên nhân có thể khiến giá dầu thô tăng trở lại.
Xung đột Nga - Ukraine và các đòn trừng phạt qua lại có thể tác động tiêu cực tới nguồn cung dầu toàn cầu. Thêm vào đó, nhà đầu tư cũng không mặn mà với ngành công nghiệp dầu vì lo ngại nhu cầu lao dốc trong dài hạn. Cuối cùng, những cơn bão vào cuối năm nay có thể tàn phá các nhà máy lọc dầu và đường ống ở Bờ Vịnh, làm cạn kiệt nguồn cung.
"Khác với OPEC, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã chỉ ra nhu cầu dầu toàn cầu có thể tăng cao vì một số người tiêu dùng chuyển từ khí đốt sang dầu", chuyên gia Moya nhận định. "Thị trường dầu thô vẫn sẽ bị thắt chặt trong năm tới", ông nói thêm.
Dù vậy, trong ngắn hạn, người Mỹ vẫn thở phào nhẹ nhõm khi nhìn vào giá xăng. "Nếu giá xăng vẫn được giữ ở mức này, nhiều hộ gia đình Mỹ có thể giảm bớt gánh nặng chi phí", bà Bovino nhận định.
VietBF©sưu tập