Ăn các loại đậu giúp ổn định lượng đường trong máu lâu hơn và giảm nguy cơ mắc các biến chứng tiểu đường như bệnh tim, đột quỵ, béo phì.
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ, đậu đứng đầu danh sách các thực phẩm có lợi cho bệnh tiểu đường. Đậu giàu vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và chất xơ có thể giúp ngăn ngừa một số bệnh. Thêm đậu vào bữa ăn giữ lượng đường trong máu ổn định và cơ thể khỏe mạnh hơn.
Mặc dù đậu có chứa carbohydrate nhưng lại có chỉ số đường huyết (GI) thấp và không gây tăng đột biến lượng đường trong máu ở người tiểu đường. Do carbohydrate trong đậu là loại phức tạp, cơ thể tiêu hóa dạng này chậm hơn so với các loại carbohydrate khác nên đường huyết ổn định lâu hơn.
Thực phẩm này giàu chất xơ, có thể làm giảm tác động của thực phẩm có GI cao đối với mức đường huyết. Vì chất xơ trong đậu làm chậm quá trình tiêu hóa, kéo dài sự ổn định, không làm tăng đột biến lượng đường trong máu. Chất xơ từ đậu cũng mang lại lợi ích cho sức khỏe tim mạch của người tiểu đường. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, chất xơ cải thiện mức cholesterol trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và béo phì - những biến chứng tiềm ẩn của bệnh tiểu đường.
Các loại đậu là cung cấp nguồn protein thực vật dồi dào. Protein cần thiết cho sự phát triển và sửa chữa mô cơ thể. Cơ thể phân hủy protein thành glucose để sử dụng làm năng lượng. Đậu giàu protein làm người bệnh cảm thấy no lâu hơn, hạn chế ăn quá nhiều có thể dẫn đến tăng đường huyết và béo phì.
Các loại đậu có chỉ số đường huyết thấp có lợi cho người bệnh tiểu đường. Ảnh: Freepik.
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ, 1/2 chén đậu cung cấp lượng protein tương đương 28 g thịt nhưng không có chất béo bão hòa. Cụ thể, khẩu phần 1/2 chén đậu nấu chín (đậu đen, đậu trắng, đậu gà,...) chứa 125 calo, 15 g carbohydrate, 7 g protein và 0-3 g chất béo. Người bệnh nên thêm đậu vào chế độ ăn để vừa bổ sung protein, vừa ít calo mà tiết kiệm chi phí.
Đậu rất giàu chất dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết (sắt, kali, canxi, magiê), ít hoặc không có chất béo chuyển hóa, muối và cholesterol. Đây là một trong những lý do ăn đậu có thể giảm nguy cơ mắc bệnh.
Hầu hết mọi người có thể thêm đậu vào chế độ ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, nếu hệ tiêu hóa khó tiêu thụ nhiều chất xơ, bạn nên ăn ít và tăng lượng đậu từ từ, vì có thể bị đầy hơi. Các enzym đường ruột tự nhiên không thể tiêu hóa chất xơ và tinh bột có trong đậu. Thay vào đó là quá trình lên men, vi khuẩn đường ruột sẽ phá vỡ tinh bột và chất xơ trong đậu. Quá trình lên men này là nguyên nhân gây ra đầy hơi.
Người bệnh tiểu đường nên mua đậu sống và tự chế biến, vì loại đóng hộp hay chế biến sẵn có thể chứa thêm muối và đường, có tác động xấu đến lượng đường trong máu. Nếu mua đậu chế biến sẵn nên chọn loại có hàm lượng carbohydrate và đường thấp, rửa đậu đóng lon trước khi sử dụng để giảm bớt muối. Ngâm đậu sống trong nước từ 8-12 giờ trước khi chế biến có thể làm giảm đầy hơi khi ăn.
Một số món ăn từ đậu mọi người có thể tham khảo như đậu hầm với thịt hoặc không có thịt, đậu gà nấu chín nghiền nhuyễn, salad đậu, súp, bánh mì kẹp đậu đen nấu chín xay nhuyễn, làm bánh từ đậu.