Răng miệng không sạch sẽ có thể dẫn đến các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, ung thư, bệnh đường tiêu hóa, tiểu đường, Alzheimer.
Các nghiên cứu trong những năm gần đây chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa việc vệ sinh răng miệng kém và các chứng viêm trong cơ thể nói chung, bao gồm cả viêm tim.
Tiến sĩ Derek Baram, chuyên gia chỉnh hình răng tại Central Smile ở Hong Kong, cho biết các nghiên cứu cho thấy người bị bệnh về nướu có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 25%.
Hiệp hội Nha khoa Mỹ (ADA) nhận định sức khỏe răng miệng là một yếu tố quan trọng dự báo nguy cơ bệnh tim mạch, thậm chí quan trọng hơn so với các chỉ số khác như mức độ cao đông máu fibrinogen, mức độ cholesterol xấu (HDL) và chất béo trung tính.
Bên cạnh bệnh tim, nghiên cứu cho thấy bệnh nha chu có thể làm tăng khả năng mắc ung thư đại trực tràng, bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh về đường tiêu hóa, tiểu đường, kháng insulin, thậm chí Alzheimer.
Để chứng minh điều này, các chuyên gia chỉ ra tác hại của vệ sinh răng miệng kém và những ảnh hưởng của nó đến chứng viêm nhiễm bên trong cơ thể.
Miệng là nơi sinh sống của hàng tỷ vi khuẩn, được gọi là hệ vi sinh vật đường miệng. Graeme Bradshaw, giám đốc Viện Y học Tích hợp Hong Kong, chỉ ra ba sinh vật chính được tìm thấy trong miệng.
Đầu tiên là porphyromonas gingivalis, vi khuẩn gây nhiễm trùng nướu và xương. Tuy nhiên, nó cũng có thể làm tích tụ cặn trong động mạch vành xung quanh tim, có liên quan đến sự phát triển của bệnh viêm khớp dạng thấp. Vi khuẩn này cũng xuất hiện trong não của các bệnh nhân Alzheimer.
Hai loại khác là Escherichia coli và Pseudomonas aeruginosa, cũng có thể phát triển mạnh trong ruột. Vấn đề nảy sinh khi hệ vi sinh vật trong miệng phát triển quá mức hoặc mất cân bằng. Chúng tạo ra độc tố mạnh, có thể xâm nhập vào máu qua nướu răng và lớp màng mỏng trong niêm mạc miệng.
Khi chúng truyền qua hệ thống tuần hoàn, đến các cơ quan và ruột, lượng độc tố này tạo ra cytokine. Đây là những phân tử được hệ miễn dịch giải phóng nhằm chiến đấu với mầm bệnh gây hại. Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch phản ứng thái quá, lượng cytokine tiết ra nhiều tạo thành "cơn bão cytokine". Chúng kích hoạt phản ứng viêm trong cơ thể, gây tổn thương báo và các cơ quan.
Tình trạng viêm nhẹ nếu chuyển thành mạn tính vẫn có thể gây bệnh ở gan, tuyến tụy, ruột, tim và các cơ quan khác, dẫn đến gan nhiễm mỡ , hội chứng chuyển hóa, tiểu đường, huyết áp cao, béo phì, vấn đề về đường ruột.
Các chuyên gia khuyến nghị sử dụng chỉ nha khoa một lần mỗi ngày. Ảnh: Shutterstock
Bradshaw cho biết bản chất của tất cả những căn bệnh này đều là chứng viêm và lão hóa. Viêm là tình trạng mạn tính, phát triển ở mức độ thấp khi con người già đi.
"Việc sản xuất quá nhiều nội độc tố, thúc đẩy quá trình viêm, thường xảy ra với một nửa số người trưởng thành. Nội độc tố đến từ chứng quá phát vi khuẩn ruột non (SIBO). Chứng bệnh bắt đầu từ trong miệng, vì vi khuẩn đường miệng được nuốt vào và có thể phát triển quá mức trong ruột", ông cho biết thêm.
Giữ răng miệng, nướu sạch, khỏe mạnh rất quan trọng, để ngăn ngừa các vấn đề như sâu răng, làm giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng khi đã lớn tuổi.
"Vấn đề không chỉ là số lượng, còn là độc tính vi khuẩn. Có những loại vi khuẩn cụ thể thúc đẩy sâu răng, có những vi sinh vật khác sống trong mô nướu, thúc đẩy bệnh nướu răng", tiến sĩ Baram giải thích.
Các chuyên gia nêu một cách giữ cho hệ vi sinh trong miệng khỏe mạnh, ngăn ngừa các tình trạng viêm nhiễm có thể ảnh hưởng đến các mô xung quanh răng, chẳng hạn viêm lợi, viêm nha chu.
Đầu tiên, tiến sĩ Baram khuyến nghị mỗi người đánh răng hai lần một ngày, mỗi lần hai phút, sử dụng các loại kem đánh răng có chứa florua và bàn chải lông mềm.
"Đặt bàn chải đánh răng của bạn ở góc 45 độ trên đường viền nướu, để nó chạm vào nướu và răng của bạn. Dùng lực nhẹ nhàng chuyển động hình tròn nhằm tiêu diệt và loại bỏ vi khuẩn. Nhiều người nghĩ rằng càng chải mạnh thì răng càng sạch, nhưng chải răng quá mạnh có thể gây tụt lợi, điều này dẫn đến ê buốt răng", tiến sĩ Baram giải thích.
Ông cũng đề nghị dùng chỉ nha khoa mỗi ngày một lần, bởi bàn chải đánh răng không thể chạm vào kẽ răng. Trong khi đó, chỉ nha khoa có thể len vào những chỗ kín bên dưới nướu, nơi có nhiều vi khuẩn sinh sống.
"Các vi khuẩn này gây ra tình trạng viêm lợi, dẫn đến chảy máu lợi", ông nói.
Tiến sĩ Baram cho biết sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn có thể làm giảm và ngăn chặn hoạt động của vi khuẩn trong miệng. Vì là chất lỏng, nước súc miệng có thể mang các chất kháng khuẩn đến tất cả các khu vực trong khoang miệng.
Cạo lưỡi hoặc chải lưỡi giúp loại bỏ vi khuẩn và tế bào chết trên bề mặt. Điều này không chỉ ngăn ngừa chứng hôi miệng, còn giúp giảm số lượng vi khuẩn có trong khoang miệng. Tiến sĩ Baram khuyến nghị cạo lưỡi mỗi ngày một lần.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn thức ăn phù hợp cũng có thể giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng. Các chuyên gia khuyến nghị hạn chế các loại thức ăn có đường, bởi đường thường bám vào răng, tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển và gây sâu răng.
"Hiệp hội Nha khoa Mỹ khuyến nghị ăn thực phẩm dạng sợi như cà rốt, cần tây và táo. Chúng không chỉ tốt cho sức khỏe đường ruột, còn giúp tiết nước bọt", Baram nói. Nước bọt giữ cho khoang miệng khỏe mạnh, giúp duy trì độ pH trung tính.