Mọi người thường nghĩ rằng chỉ những người thừa cân, béo phì mới có mỡ máu cao. Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít người gầy cũng mắc căn bệnh này.
Người gầy vẫn có thể bị mỡ máu cao
Mỡ máu cao hay còn gọi là rối loạn mỡ máu, máu nhiễm mỡ, tăng cholesterol máu. Bệnh xảy ra khi lượng cholesterol gây hại (LDL) tăng, trong khi lượng cholesterol có lợi (HDL) giảm.
Cholesterol là một chất dạng sáp có trong máu. Theo Mayo Clinic, cholesterol là thành phần cần thiết để cơ thể tạo ra các tế bào khỏe mạnh.
Tuy nhiên, lượng cholesterol cao có thể dẫn đến tích tụ chất béo trong mạch máu, khiến cho máu khó lưu thông và lắng đọng lại trong động mạch, tạo thành các mảng xơ vữa.
Một người được xác định mắc mỡ máu cao khi các chỉ số mỡ máu vượt ngưỡng an toàn, cụ thể:
- Cholesterol toàn phần > 6,2 mmol/L.
- LDL-cholesterol > 4,1 mmol/L.
- Triglyceride > 2,3 mmol/L.
- HDL-cholesterol <1 mmol/L.
Mỡ máu cao không phụ thuộc ngoại hình. Thông thường mọi người thường nghĩ những người thừa cân, béo phì mới bị mỡ máu cao. Tuy nhiên, không ít người thân hình mảnh mai, thậm chí là gầy như 'xác ve" vẫn có thể mắc căn bệnh này. Các dấu hiệu của mỡ máu cao ở giai đoạn đầu cũng khá mơ hồ. Do đó, mỡ máu cao được coi là 'kẻ giết người thầm lặng'.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỡ máu tăng cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Hơn nữa, 1/3 số ca bệnh thiếu máu cơ tim trên toàn thế giới là do mỡ máu cao.
Biểu hiện của mỡ máu cao
Đau nhức chân là một trong số các biểu hiện của mỡ máu cao. Ảnh: Getty.
Khi cholesterol trong động mạch tăng cao, nó có thể khiến lượng máu tới tay và chân bị giảm đi, gây ra các cơn đau cấp tính.
Theo Mayo Clinic, nếu bạn cảm thấy đau ở tay khi đang hoạt động thì đây có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn đang bị tăng cholesterol máu.
Nếu không được điều trị, cơn đau sẽ chuyển nặng hơn và có thể có những cơn chuột rút khi bạn đang viết hoặc làm các công việc khác.
Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh cho biết cơn đau có thể từ nhẹ đến nặng và thường biến mất sau vài phút khi bạn nghỉ ngơi. Cơn đau có thể xảy ra ở 1 hoặc cả 2 chi cùng 1 lúc.
Cơn đau của bệnh mỡ máu cao cũng phổ biến ở chân với các biểu hiện tương tự như ở tay.
Ngoài ra, người bị mỡ máu cao cũng có thể có thêm các triệu chứng như:
- Tê hoặc yếu tay/chân
- Mạch ở tay/chân đập yếu hơn
- Rụng lông tay/chân
- Móng tay/chân giòn, mọc chậm
- Vết thương (nếu có) ở tay/chân lâu lành
- Màu da ở tay/chân hoặc móng tay/chân thay đổi, chuyển màu nhợt nhạt hơn hoặc tái xanh
- Ở nam giới có thể có tình trạng rối loạn cương
Đau cánh tay và vai có thể là những dấu hiệu của các căn bệnh khác như đau tim, đau thắt ngực có liên quan tới mỡ máu cao. Tuy nhiên, những cơn đau này cũng có thể là do chấn thương, căng cơ, bong gân, trật khớp,...
Do đó, khi thấy các dấu hiệu của bệnh, tốt hơn hết người bệnh nên tới các cơ sở y tế để được thăm khám và xét nghiệm kịp thời.
Làm gì để ngăn mỡ máu cao?
Để ngăn ngừa mỡ máu cao, mỗi người nên có một lối sống lành mạnh bằng cách có chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục và khám sức khỏe định kỳ, cụ thể:
Về chế độ ăn uống
- Nên bổ sung chất xơ hoà tan có nhiều trong trái cây, rau củ. Chất xơ hòa tan làm giảm lượng cholesterol LDL 'xấu' bằng cách làm chậm quá trình hấp thụ cholesterol vào máu. Các nguồn chất xơ hòa tan tốt bao gồm yến mạch, các loại hạt, các loại đậu, táo, lê, mận khô…
- Nên ăn chất béo có lợi cho tim gồm dầu ô liu, dầu hạt cải cũng như các loại thực phẩm giàu chất béo lành mạnh, có nguồn gốc thực vật, như quả hạch và quả bơ.
- Ăn thực phẩm nguyên hạt như ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt,...
- Ăn thịt gia cầm (không có da) và thịt nạc.
- Ăn các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá thu. Nên ăn 2 khẩu phần ăn các loại cá này mỗi tuần.
- Nên hạn chế ăn thịt đỏ, thịt có chứa nhiều mỡ, nội tạng động vật, các sản phẩm sữa nhiều chất béo, thực phẩm chế biến sẵn hoặc có nhiều đường
Về chế độ tập luyện
Tập thể dục thường xuyên có thể ngăn ngừa nguy cơ tăng mỡ máu. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo, để ngăn ngừa và điều trị mỡ máu cao, mỗi người nên dành ít nhất 150 phút mỗi tuần cho các môn thể thao cường độ vừa như tập aerobic, đi bộ, bơi lội, đạp xe,... Mọi người cũng có thể tăng cường các bài tập cường độ nặng trong một vài ngày để có thêm lợi ích về sức khoẻ.
Đối với những người mới bắt đầu tập luyện, nên bắt đầu với các môn có cường độ tập luyện nhẹ nhàng.
Hạn chế rượu bia, thuốc lá
Theo Mayo Clinic, uống rượu bia, dù ở mức độ vừa phải cũng có thể làm tăng lượng cholesterol có hại trong cơ thể.
Hút thuốc lá cũng làm giảm lượng cholesterol có lợi trong cơ thể, làm tổn thương mạch máu.
Tránh stress
Stress kéo dài có thể làm tăng mỡ máu và các các bệnh về tim mạch. Khi bạn bị stress, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều adrenaline và cortisol. Các hormone này tích luỹ quá nhiều trong cơ thể sẽ làm giảm cholesterol tốt, tăng cholesterol xấu cũng như triglyceride.
Một nghiên cứu trên 91.500 người trưởng thành làm các công việc khác nhau cho thấy những người làm các công việc có mức stress cao hơn sẽ có mức mỡ máu cao hơn.
VietBF @ Sưu tầm