Vệ sỉnh răng miệng đúng cách, bỏ thói quen hút thuốc lá, cạo lưỡi, nhai kẹo cao su góp phần giúp hơi thở thơm tho, sạch sẽ.
Hơi thở có mùi do nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng đường hô hấp. Khi đó, tình trạng làm viêm các mô trong hệ thống hô hấp. Điều này khiến cơ thể thể kích hoạt sản xuất chất nhầy gây chảy dịch mũi. Dịch mũi khi bị tắc nghẽn quá lâu buộc cơ thể phải thở bằng miệng, từ đó hình thành nên hơi thở có mùi
Bên cạnh đó, tình trạng này xuất hiện do thức ăn, dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe như sỏi amidan, suy thận, trào ngược dạ dày, đái tháo đường... Mỗi người có thể cải thiện hôi miệng bằng các cách đơn giản sau, theo WebmD.
Vệ sinh răng miệng đúng cách
Mảng bám thức ăn trên răng có thể khiến hơi thở có mùi. Để hạn chế điều này, mỗi người nên đánh răng 2 lần một ngày sau bữa ăn, bằng kem đánh răng chứa florua. Kem đánh răng có đặc tính kháng khuẩn được chứng minh là làm giảm mùi hôi miệng.
Súc miệng
Việc bạn sử dụng nước súc miệng thường xuyên sau khi đánh răng sẽ giảm lượng mảng bám trên răng, làm sạch tất cả các kẽ sâu trong khoang miệng đồng thời giữ cho hơi thở thơm mát. Súc miệng bằng dung dịch diệt khuẩn cũng giúp làm giảm cơn đau, hỗ trợ điều trị vết loét trong miệng. Ngoài ra, sát khuẩn vùng họng còn hỗ trợ làm giảm triệu chứng, phòng ngừa bệnh về đường hô hấp như: cảm lạnh, cúm, nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp trên.
Bỏ thói quen hút thuốc lá
Ngoài việc ảnh hưởng đến các bộ phận trong cơ thể, hút thuốc còn có thể làm hỏng, làm ố răng và hôi miệng. Bởi lẽ, khi bạn hút thuốc quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng giảm sự tiết nước bọt gây ra khô miệng, làm mất đi tác dụng làm sạch miệng bằng nước bọt. Từ đó, các vi khuẩn sinh sôi, gây ra mùi hôi trong hơi thở.
Vệ sinh răng miệng đều đặn là cách khắc phục hút thuốc lá gây nên tình trạng hơi thở có mùi. Cách khắc phục hiệu quả nhất là bỏ thuốc lá. Tuy nhiên, việc này không dễ dàng với những người hút thuốc lá lâu năm.
Hơi thở có mùi có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề về sức khỏe. Ảnh: Freepik
Nhai kẹo cao su
Đa số mọi người sử dụng kẹo cao su để cải thiện hôi miệng. Đây là một biện pháp khắc phục tạm thời và ngắn hạn. Nhai kẹo cao su kích thích nước bọt, đây là cơ chế bảo vệ tự nhiên của miệng chống lại các mảng bám, gây sâu răng, hôi miệng.
Ngoài ra, việc nhai kẹo cao su sẽ giúp làm tăng sản xuất nước bọt trong khoang miệng, từ đó giảm trào ngược của axit dạ dày. Trào ngược axit chủ yếu gây ra do mức axit trong dạ dày tăng cao mà không có đủ lượng thức ăn trong dạ dày. Lượng axit dạ dày dư thừa này thường có xu hướng đi lên đường tiêu hóa, tạo ra cảm giác nóng rát, ợ chua.
Tránh khô miệng
Bất cứ khi nào bạn cảm thấy khô miệng, hãy uống nước. Nước bọt giúp giữ miệng sạch sẽ, ngăn vi khuẩn có mùi phát triển mạnh.
Tránh hành, tỏi và thức ăn cay
Khi chúng ta ăn tỏi, hành tây, các chất trong 2 loại thực phẩm này trộn lẫn với vi khuẩn tạo ra mùi nhất định. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến vấn đề hơi thở có mùi sau vài giờ khi ăn. Tuy nhiên, hơi thở có mùi không phải là lý do để tránh ăn tỏi, hành tây vì hai loại thực phẩm có nhiều lợi ích với sức khỏe.
Vệ sinh lưỡi
Lưỡi có thể là nơi trú ngụ của vi khuẩn, vì vậy việc vệ sinh cẩn thận có thể làm giảm mùi hôi từ hơi thở. Người hút thuốc lá, khô miệng phần lưỡi có thể chứa nhiều vi khuẩn hơn. Bạn nên sử dụng dụng cụ cạo lưỡi, hoặc bàn trải đánh răng tích hợp dụng cụ làm sạch bộ phận này.
Thăm khám bác sĩ
Nếu không thấy tình trạng hơi thở có mùi cải thiện, bạn có thể đặt lịch khám với bác sĩ chuyên khoa. Các chuyên gia sẽ thăm khám, tư vấn, cung cấp dịch vụ chăm sóc phù hợp.