Các thói quen ăn uống thiếu khoa học như ăn quá no, để bụng trống rỗng, ăn không đúng giờ đều làm ảnh hưởng tới dạ dày.
Theo Ths.BS Hà Hải Nam - Phó khoa Ngoại bụng 1 (Bệnh viện K Trung ương), việc để bụng quá đói hay ăn quá no đều không tốt cho dạ dày. Thói quen ăn uống thiếu khoa học này kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan tới dạ dày.
Vì sao ăn quá no gây áp lực với dạ dày? Trung bình ổ chứa của dạ dày chỉ cho phép chứa khoảng 300-500ml thức ăn. Nếu để dạ dày bị quá tải 1-2 lần, dạ dày vẫn cố chịu đựng được ngay lúc đó. Tuy nhiên, dạ dày quá tải liên tục sẽ dẫn tới tổn thương không mong muốn.
"Chúng ta hình dung dạ dày giống như một cái máy, nếu dùng quá tải một ngày, hai ngày máy có thể vẫn chạy được, nếu ngày nào cũng quá tải liên tục thì sẽ gây cháy máy, hỏng hóc và phải sửa liên tục", bác sĩ Hải Nam phân tích.
Ngoài ra, lượng thức ăn quá tải sẽ khiến dạ dày phải giãn căng hết cỡ, không còn chỗ để co bóp. Khi dạ dày không co bóp được, dịch vị và thức ăn có thể trào ngược lên điểm tiếp giáp giữa dạ dày và thực quản (trào ngược dạ dày thực quản).
Các trường hợp trào ngược dạ dày thực quản nếu không được điều trị dứt điểm để bệnh tái phát nhiều lần sẽ trở thành mãn tính, có nguy cơ xuất hiện tế bào bất thường.
PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cũng cho biết ăn quá no sẽ tạo áp lực nặng nề cho dạ dày. Đặc biệt, ăn quá no trong thời gian ngắn có thể gây khó chịu cho đường tiêu hoá, có thể gây trào ngược dạ dày thực quản.
"Ăn quá no cũng gây tăng đường huyết sau ăn nhiều hơn bình thường. Đặc biệt, ăn quá no gần với giờ ngủ có thể gây khó ngủ do áp lực trong ổ bụng cũng như cơ thể phải tập trung cho việc tiêu hoá thức ăn quá nhiều. Thói quen ăn này kéo dài có thể dẫn đến thừa cân, tăng nguy cơ đái tháo đường type 2, đề kháng insulin, tăng mỡ máu...", PGS Niêm cảnh báo.
Ăn không đúng bữa
Bên cạnh thói quen ăn quá no thì nhiều người Việt cũng đang mắc một lỗi sai khác là ăn uống không đúng bữa, đặc biệt là dân công sở.
Bác sĩ Hà Hải Nam cho hay việc ăn không đúng giờ, đúng bữa ảnh hưởng đến sức khỏe, do hệ thống sinh học của con người được cài đặt đến khoảng thời gian đó, hệ thần kinh trên não sẽ chỉ đạo cần bổ sung năng lượng. Nếu không được bổ sung, cơ thể sẽ mệt mỏi, uể oải, thiếu năng lượng để hoạt động.
"Ăn uống không khoa học, nhất là không đúng giờ giấc, không đúng nhịp sinh học là yếu tố góp phần dẫn đến nguy cơ hình thành ổ loét, dần dần sẽ bị ung thư hóa", bác sĩ Hải Nam nói.
Bí quyết ăn uống lành mạnh
Để có dạ dày khoẻ mạnh, mọi người nên thực hành ăn uống lành mạnh, khoa học. Việc ăn uống đúng giờ và ăn lượng vừa đủ no sẽ giúp cho dạ dày khoẻ.
Theo chuyên gia, vào buổi sáng khi ngủ dậy, mọi người nên uống một cốc nước ấm trước, việc làm này giúp đẩy dịch trong dạ dày tồn tại suốt một đêm xuống dưới. Sau đó, mọi người cần khởi động hệ thống tiêu hóa bằng cách ăn sáng nhẹ nhàng để có năng lượng cho một ngày làm việc.
Buổi trưa, sau một thời gian co bóp hết thức ăn buổi sáng, dạ dày cần phải nạp thêm thức ăn để hoạt động. Nếu không nạp thức ăn vào, dạ dày vẫn hoạt động theo nhịp đồng hồ sinh học, dịch vị axit vẫn tiết ra, từ đó dễ tăng nguy cơ trào ngược dạ dày. Các cơ thắt dạ dày nếu không có gì co bóp thì có thể bị tổn thương.
Mọi người nên ăn tối trước 20h, và ăn những thực phẩm dễ tiêu hoá để tránh gây áp lực cho dạ dày vào ban đêm.
Nếu bạn có vấn đề dạ dày và đường tiêu hoá, cần lưu ý hạn chế các thức ăn chiên xào, thực phẩm cay, chua, quá nhiều chất xơ.
VietBF @ Sưu tầm