
"Dân phản động" ra tòa thì hiên ngang, không thèm nhỏ một giọt nước mắt dù bản án phi lý, phi nhân có là 10, 12, 16 hay 20 năm đi nữa. "Quan tham" ra tòa, người thì xin lỗi Bác Trọng, người thì than vãn sợ "làm ma trong tù", người khóc lóc kể lể nhân thân, quá trình cách mạng...Trái ngược với lúc còn đương chức hét ra lửa, xịt ra khói, coi dân như rác, và ăn không chừa một thứ gì. Chán ngán!

Mình mở máy tính trên điện thoại ra nhân thử: 11.000.000USD x 23.000 coi nó ra bao nhiêu tỷ, nhưng máy tính không đọc được vì con số quá lớn ngoài khả năng của máy tính. Thử lấy 11x23.000 thì nó ra đáp số là 253. Tạm suy ra là 253 tỷ. Đó là số tiền Việt Á chia lời cho Nguyễn Thanh Long trong thương vụ kinh doanh xác đồng bào.
Võ Đắc Danh

Đỗ Duy Ngọc: Những giọt nước mắt của những tên quan lại bị lộ có khác gì nhau
Lãnh đạo của xứ ta thời nay dù xuất thân nguồn gốc khác nhau, nhưng khi ngồi được vào ghế lãnh đạo cũng như lúc sa cơ, ra toà, đều xử sự giống nhau của một lũ hèn. Từ Bộ trưởng cho đến Thứ trưởng, từ Cục trưởng cho đến Chủ tịch, Bí thư. Lúc đương chức thì hét ra lửa, nịnh trên nạt dưới, thái độ ngông nghênh, xem dân bằng nửa con mắt. Khi còn ghế, tìm mọi cách vơ vét, chiếm đất, chiếm nhà của dân. Xây nhà to, đào hầm chứa bạc vàng. Mặt lúc nào cũng nghếch lên trời, đi đứng khệnh khạng.
Xuất thân từ thôn quê hay dân thành thị, đa số là từ nghèo khó phấn đấu, nịnh bợ mà lên. Đến khi có quyền chức thì bắt chước sống như quý tộc, rượu ngon, gái đẹp, món ăn cao cấp đắt giá hơn vàng. Sống như thế nhưng đến đâu cũng phát biểu đạo đức cách mạng, vì dân, vì nước. Quan ngày nay còn quan liêu, hạch sách dân còn hơn quan chức thời phong kiến, thời Pháp thuộc. Bởi chúng chẳng còn lương tâm, chẳng còn bổn thiện. Chỉ biết bòn rút, tham nhũng, hối lộ cho tiền đầy túi, vàng bạc đầy kho.
Tất Thành Cang là một trong những khuôn mặt đấy. Từ một bộ đội xuất ngũ, hoạt động Đoàn Thanh niên rồi ngoi lên thành quan chức cấp cao của thành phố lớn nhất nước, năng động nhất nước, đóng góp cho ngân sách nhiều nhất nước. Bằng cấp khoe tá lả nhưng nghe đồn thời đi học toàn copy với paste. Nhưng cần chi, chỉ cần có băng cao cấp lý luận từ trường Đảng ra thì làm chi mà không được. Tài năng chưa bộc lộ được gì nhưng tài đục khoét, hối lộ, tham ô thì đúng là thượng thừa, đàn anh cũng phải nể mặt.
Được chống lưng bởi quan thầy, y xem trời bằng vung, bán đất, bán ruộng, sang tay này qua tay kia tha hồ hốt bạc. Ăn chơi khét tiếng trời Nam. Ăn nhậu mỗi đêm như vua chúa, rượu ngoại đắt như vàng tràn như suối. Đi công tác cũng có đàn em bay theo với nhiều thùng rượu quý.
Đùng một cái, trở thành người bị lộ, y lật đật sang nhà, bán vi la, ly dị vợ để phân tán tài sản. Ngày ra toà, mang dép nhựa, mặc áo sờn, diễn giỏi còn hơn các danh hài. Đến khi cho phép nói lời cuối, khóc như cha chết, từ hài kịch chuyển sang bi kịch, hai mắt đỏ lòm. Cha ông ta gọi là nước mắt cá sấu.
Nhưng đố lừa được ai. Dân biết hết, dân rành từng tên một. Tất Thành Cang giờ Tan Thành Cứt, diễn chẳng khác gì cả đám cán bộ lãnh đạo ra toà xưa nay. Tay nào cũng diễn, tay nào cũng khóc lóc xin tha. Bộ mặt đạo đức giả rớt xuống, bộ mặt của kẻ nói láo rơi xuống, bộ mặt vênh váo một thời bay đi đâu mất. Hèn nhát, nhục nhã chẳng có chút bản lĩnh nào của một người đã từng hét ra lửa. Hoá ra đây mới là bản chất thật của chúng. Chúng chỉ là một lũ hề múa may theo đúng một kịch bản y chang nhau.
Chiếm đất của dân, gieo tội ác, làm giàu trên xương máu của đồng bào đến lúc phải đền tội. Tiếng rên siết của người dân Thủ Thiêm còn đó, nỗi oan khiên của dân còn đó, trốn sao khỏi quả báo. Lưới trời thưa mà khó thoát. Những giọt nước mắt cá sấu giả tạo làm sao che hết tội lỗi của y và đồng bọn.
Y đã bị lộ, bị ra toà. Còn bao nhiêu kẻ như y hay thầy y chưa lộ mặt, vẫn còn nhởn nhơ. Rồi có ngày chúng sẽ bị lôi ra hết và rồi cũng sẽ có những giọt nước mắt giữa toà như hôm nay y đã giả khóc, kêu than. Lúc đấy lòng dân mới hả dạ.
Nguyễn Tiến Tường: Danh nghĩa nhân dân
Nhân dân có trong lời cửa miệng của nhiều lãnh đạo, quan chức. Tất nhiên, chính nhân dân thật khó phân biệt đó là lời khuôn sáo hay thật lòng. Cá nhân tôi nghĩ rằng, số thật lòng rất ít. Bởi vì, nhân dân vẫn đứng ngoài guồng quay chính trị, đứng ngoài tâm thức của cán bộ.
Gần đây có trào lưu củi to củi nhỏ đứng trước toà khóc kể nói lời xin lỗi. Nhưng tuyệt nhiên tôi chưa nghe được một lời xin lỗi nhân dân, mặc cho họ thừa hiểu rằng những gì họ có được là do dân cung phụng. Kể cả khi họ là tù nhân, thì khái niệm nhân dân cũng hoàn toàn lạ lẫm.
Có lúc ta phát động phong trào người dân tham gia phòng chống tham nhũng và thưởng lớn. Tôi nghĩ hơi buồn cười. Cửa nhà quan sâu như bể, dân nào bén mảng được mà chống tham nhũng? Ngay cả cơ quan công quyền, người dân đến đó có mấy người được thẳng lưng?
Nhân dân không tồn tại trong suy nghĩ của cán bộ tham nhũng. Thậm chí trong các đại án Việt Á và những chuyến bay giải cứu, nhân dân thành miếng mồi ngon của giặc tham nhũng. Mặc cho vạn người chết chưa biết tro cốt về đâu, vạn người ly hương chưa tìm về bổn xứ. Họ vẫn “ăn” trên xác chết và thân phận nhân dân, sẵn sàng xé bỏ rào cản làm người để ăn!
Sự táng tận lương tâm của người có quyền lực lấy sự khổ hạnh của nhân dân để xây nên những biệt phủ xa hoa và trăm tỷ nghìn tỷ. Thậm chí, đối với “những đồng chí chưa bị lộ”, trong câu chuyện của nhân dân điều đó cũng rất bình thường vì “ông ấy làm to”.
Cần minh định rằng trong bất cứ thể chế nào, người dân không và không nên mưu cầu những cán bộ nghèo khổ tận hiến như thường dân. Nhưng khoảng cách quan - dân phát lộ qua những đại án ở ta là một cái gì đó khủng khiếp hơn cả thời phong kiến.
Nhân dân ở đâu trong công cuộc chống tham nhũng? Họ là bị hại và họ được quyền yêu cầu thể chế trừng trị kẻ thủ ác, đó là quan hệ hữu hình, không phải “vực dậy niềm tin” rất vô hình.
Mặc cho họ chưa nhìn thấy hoặc thân phận bé mọn chưa cho phép họ nói ra, thì người chủ xướng công cuộc chống tham nhũng không nên quên điều đó.
Nhân dân chưa phải là chủ, vì nếu họ là chủ nhân thật sự thì không có chuyện những “đầy tớ” như ông Long, ông Anh có thể leo cao trào sâu. Càng không thể có chuyện “Hội Đồng Nhân Dân” đại diện cho họ hôm trước bỏ phiếu 100% bầu, hôm sau 100% bãi miễn, vô cùng hình thức.
Cũng rất cần khách quan nhìn nhận rằng lãnh đạo đảng và đảng đang duy trì một công cuộc chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” chưa từng có tiền lệ, tạo nên sự hứng khởi trong nhân dân. Nhưng điều người dân quan tâm là công cuộc đó có được kế thừa và kéo dài hay không? Tham nhũng liệu có trỗi dậy hay không? Và làm cách nào để khắc chế dài lâu?
Vì khi cuộc chiến chống tham nhũng phụ thuộc nhiều vào ý chí chính trị hơn là nhân quả pháp trị, thì “nhân dân” vẫn chỉ là danh nghĩa mà thôi!
Ông Tất Thành Cang, người trước đây là lãnh đạo Đảng cao thứ hai tại thành phố Hồ Chí Minh, đã được giảm 18 tháng tù, do được Tòa xét thấy ‘có nhân thân tốt’ tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án bán rẻ cổ phần của Nhà nước cho tư nhân hôm 9/6.
Theo đó, vị cựu phó bí thư Thành ủy này đã nhận mức án 8 năm 6 tháng tù so với bản án sơ thẩm là 10 năm vì tội ‘Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí’.
Như vậy, ông Cang đã được giảm án ở mức tối đa theo đề nghị của Viện Kiểm sát là giảm từ 12 đến 18 tháng tù.
Nguyên nhân được giảm án, theo lời của Hội đồng xét xử Tỏa án nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh được tờ Tuổi Trẻ dẫn lại, là do ông Cang ‘có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, gia đình có công với cách mạng, quá trình công tác nhận được nhiều bằng khen, giấy khen, thành khẩn khai báo, đã có tác động để hậu quả thiệt hại được khắc phục hoàn toàn’.
Theo cáo trạng, ông Cang với vai trò là phó Bí thư thường trực Thành ủy, đã có bút phê ‘đồng ý’ vào tờ trình đề xuất cho Công ty Cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), công ty 100% vốn nhà nước thuộc sở hữu của Thành ủy, phát hành 9 triệu cổ phần với giá 40.000 đồng/cổ phần cho Công ty Cổ phần đầu tư Nguyễn Kim mà không qua đấu giá.
Dựa vào bút phê này của ông Cang, Văn phòng Thành ủy đã ra thông báo cho phép Sadeco tiến hành việc bán cổ phần này, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 669 tỷ đồng, theo cáo trạng được trang mạng VnExpress dẫn lại.
Hội đồng xét xử cho rằng ông Cang phải chịu trách nhiệm cho vụ bán rẻ tài sản của Nhà nước này vì với cương vị phó Bí thư Thành ủy, ông Cang ‘phải nắm rõ quy định việc bán cổ phần phát hành thêm phải thông qua đấu giá và thẩm định giá cổ phần’.
Sau khi vụ án bị phát hiện, Công ty Nguyễn Kim đã hoàn trả toàn bộ 9 triệu cổ phần cùng tiền lãi phát sinh cho Sadeco. Dựa trên điều này, Hội đồng Xét xử cho rằng ‘hậu quả thiệt hại được khắc phục hoàn toàn’ và lấy đó làm căn cứ giảm án cho ông Cang.
‘Khóc trước Tòa’
Trước đó, khi nói lời sau cùng trước Tòa, ông Cang được cho là đã ‘vừa nói vừa khóc’ khi trần tình về thành tích làm việc và truyền thống cách mạng của gia đình ông.
Ông nói rằng bản thân là thế hệ thứ ba trong gia đình được kết nạp Đảng với 33 năm tuổi Đảng, ông đã ‘luôn chấp hành tốt nhiệm vụ Đảng phân công, luôn phấn đấu vì lý tưởng của Đảng’, theo tường thuật của Tuổi Trẻ.
“Là phó bí thư thường trực thành ủy, bị cáo không ngại khó ngại khổ, ý thức được trách nhiệm nặng nề để phát triển kinh tế-xã hội thành phố, đất nước. Bị cáo đặt mục tiêu vì dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh, chưa bao giờ giải quyết công việc gì không từ mục tiêu đó,” ông Cang được dẫn lời nói trước Tòa.
Ông Cang cũng nhận trách nhiệm ‘thiếu kiểm tra khi chủ trì họp mà chỉ nghe báo cáo, không phát hiện kịp thời tờ trình nên mới dẫn đến hậu quả’ và kêu gọi các cán bộ cấp dưới khác ‘hãy vì trách nhiệm lương tâm khi trình bày báo cáo, cần trình bày trung thực, khách quan để lãnh đạo có thông tin đầy đủ mới có quyết định đúng đắn’.
Ông Cang gửi lời xin lỗi đến Đảng, Nhà nước và gia đình vì ‘đã ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước’ và ‘ảnh hưởng đến truyền thống gia đình’.
Ngoài ông Cang, hai bị cáo khác trong phiên xử phúc thẩm vụ án Sadeco là ông Tề Trí Dũng, chủ tịch Hội đồng Quản trị, và bà Hồ Thị Thanh Phúc, phó tổng giám đốc cũng được giảm án lần lượt là 1 và 2 năm. Bị cáo Nguyễn Trường Bảo Khánh, thành viên Hội đồng Thành viên IPC, công ty mẹ của Sadeco, được chuyển từ án tù giam thành ba năm tù treo.
Tổng cộng có 11 bị cáo bị kết án trong vụ án của Sadeco về các tội ‘vi phạm quy định của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí’ và ‘tham ô tài sản’ với mức án cao nhất là 19 năm tù cho ông Tề Trí Dũng sau khi đã được giảm 1 năm.
Ông Cang từng là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12, là phó bí thư thường trực Thành ủy từ năm 2016 đến 2019 dưới thời các bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và Nguyễn Thiện Nhân. Trước đó, ông từng là phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố, giám đốc Sở Giao thông-Vận tải.
Nguồn: VOA và các bloger