Trẻ có nguy cơ cao bị đột quỵ trong bào thai hoặc khi vừa sinh ra nếu người mẹ bị tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ hoặc bệnh tim mạch.
Khi nghe đến đột quỵ, thông thường mọi người thường nghĩ đến những người lớn tuổi, người có các yếu tố nguy cơ cao. Tuy nhiên, đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thậm chí ở các trẻ sơ sinh đang trong bụng mẹ.
Theo các nhà khoa học Mỹ, đột quỵ trong bụng mẹ (đột quỵ chu sinh) là những cơn đột quỵ ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh trước khi chúng được sinh ra hoặc ngay sau khi sinh ra. Triệu chứng của đột quỵ trong bụng mẹ không phải lúc nào cũng rõ ràng mà chỉ biểu hiện rõ trong giai đoạn trẻ phát triển. Sau đột quỵ, nhiều trẻ phục hồi và phát triển tốt nhưng cũng có trẻ phải chịu tổn thương não do thiếu hụt nguồn cung cấp máu dẫn đến các vấn đề về thần kinh và sức khỏe vĩnh viễn ở não.
Theo các chuyên gia, những bà mẹ có tình trạng cục máu đông thì em bé có nguy cơ cao bị đột quỵ khi còn trong bụng mẹ. Các tình trạng khác cũng tăng nguy cơ đột quỵ của em bé đó là người mẹ bị tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, thai phụ bị bệnh tim, nhiễm trùng, làm dụng ma túy và các vấn đề nhau thai.
Đối với những bà mẹ gặp phải sự cố khẩn cấp trong quá trình mang thai như gặp chấn thương, sốt và co giật cũng nên lưu ý đến nguy cơ em bé bị đột quỵ, vì những vấn đề này gây ảnh hưởng đến nguồn cung cấp máu cho em bé. Đột quỵ chu sinh là nguyên nhân trong hầu hết các trường hợp bại não ở trẻ sơ sinh.
Siêu âm cho thai phụ. Ảnh: Freepik
Theo thống kê từ nghiên cứu đăng trên Tạp chí Thần kinh Nhi khoa châu Âu năm 2019, cứ 100.000 ca sinh ở châu Âu thì có khoảng 37-67 trẻ bị đột quỵ chu sinh. Đột quỵ chu sinh xảy ra muộn hơn trong thai kỳ, bắt đầu vào khoảng 20 hoặc 22 tuần phát triển hoặc trong tháng đầu tiên sau khi một đứa trẻ được sinh ra.
Dấu hiệu nhận biết trẻ có thể bị đột quỵ chu sinh là trẻ sơ sinh hay bị co giật, yếu hoặc giảm cử động của một cánh tay, một bệnh chân hoặc nửa người, trẻ khó ăn, khó thở, chậm phát triển trong các mốc phát triển bình thường.
Mặc dù đột quỵ chu sinh để lại những rủi ro có thể ảnh hưởng đến trẻ suốt đời nhưng hầu hết trẻ sơ sinh bị đột quỵ chu sinh có khả năng phục hồi chức năng cao. Kết quả phục hồi của trẻ khi bị đột quỵ chu sinh phụ thuốc vào các yếu tố gồm loại đột quỵ, vùng nào bị tổn thương, giai đoạn phát triển của em bé. Một số trẻ bị đột quỵ trước khi chào đời có thể gặp các vấn đề về học tập, hạn chế về thể chất, các vấn đề về hành vi hoặc co giật. Một số trẻ có thể bị não úng thủy.
Các chuyên gia khuyên rằng, các bà mẹ mang thai nếu bị tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ hoặc dọa sẩy thai... nên khám định kỳ thường xuyên và nói chuyện với bác sĩ về tình trạng của bản thân. Trẻ em nên được cho đánh giá sớm thị lực, thính giác, ngôn ngữ để xác định bất kỳ khiếm khuyết nào, nếu có việc khắc phục sớm sẽ hiệu quả hơn.