Trải nghiệm bơi thuyền trên sông Ba Chẽ vẫn là chuyện hết sức mới mẻ. Đối với du khách, vào dịp Lễ hội Bàn Vương được tổ chức hằng năm có thể hòa nhập cùng chương trình 'vượt biển' của người Dao, do huyện Ba Chẽ tổ chức. Còn với người dân sống ven sông thì nhiều người mưu sinh hằng ngày bằng việc bơi thuyền trên sông.
Người dân mưu sinh trên sông Ba Chẽ.
Sông Ba Chẽ trải dài suốt chiều dọc của huyện, từ xa xưa nhiều người dân nơi đây đã bám theo con sông để sinh nhai. Trước đây, khi chưa có tỉnh lộ 330, nhiều người làm nghề buôn tre nứa, được khai thác từ các khu rừng tự nhiên trên địa bàn lấy sông Ba Chẽ là con đường giao thông chính.
Ông Bàn Cúc Hương (thôn Khe Giấy, xã Lương Mông) năm nay hơn 80 tuổi, nhớ lại thời trẻ có những hành trình vượt sông. Việc đi lại thường chỉ vào mùa mưa, vì những tháng nước sông cạn không đi được thuyền. Ông Hương cùng những người buôn tre rong ruổi trên những chiếc thuyền độc mộc, hoặc đứng trên các mảng tre được cột lại với nhau, xuôi theo dòng sông. Đi bằng những phương tiện thô sơ nên ông có những kỷ niệm khó quên với dòng sông. Đoạn sông chảy qua xã Thanh Sơn, lòng sông cao hơn, có những chỗ trơ những mỏm đá đầy hình thù kỳ dị; về mùa mưa nước chảy mạnh tạo thành những thác ghềnh. Nhiều khi mảng tre qua đây bị ngược đầu lên rồi chúc ngập hẳn dưới nước, rồi lại tự nổi lên, người ngồi trên ướt như chuột lột. Từ năm 1976, tỉnh lộ 330 được mở nối liền QL18, dọc theo các xã, thị trấn của huyện, chẳng còn ai đi mảng, thuyền độc mộc xuôi dòng sông nữa, vì nguy hiểm và mùa nước cạn không đi được. Chuyện vượt sông với những người cao tuổi như ông Hương là những ký ức, kỷ niệm khó quên.
Tái hiện hành trình vượt biển ở Lễ hội Bàn Vương huyện Ba Chẽ năm 2022.
Sông Ba Chẽ đoạn rộng nhất ở khu vực xã Nam Sơn ngày nay, huyện đang có kế hoạch đưa du lịch vào đây, vì đoạn sông này khá sâu lại phẳng lặng, du khách có thể an toàn ngồi trên những chiếc thuyền máy hay thuyền độc mộc để trải nghiệm. Hằng năm, ở khu vực sông này, huyện tổ chức Lễ hội Bàn Vương tái hiện hành trình vượt biển của người Dao đến vùng đất mới để lập nghiệp, với sự tham gia của 12 dòng họ người Dao trên 12 con thuyền lớn. Ở đoạn sông này, lòng sông mênh mông, những ngày mùa đông lòng sông chìm trong màn sương, mờ mờ, ảo ảo. Khi đó ta khó hình dung mình đang đi thuyền trong lòng sông, mọi vật trên bờ không nhìn rõ, thỏa chí tưởng tượng của con người. Bên bờ sông từ lâu đã hình thành các làng bản của người Dao với những cái tên Sơn Hải, Cái Gian, Làng Mới, Khe Sâu.
Du khách trải nghiệm nghi lễ cấp sắc trong Nhà Truyền thống cộng đồng tại thôn Sơn Hải (xã Nam Sơn).
Hành trình trải nghiệm thường được bắt đầu từ khu vực bến sông Miếu Ông - Miếu Bà (xã Nam Sơn) rồi đến bến thôn Sơn Hải (xã Nam Sơn). Từ năm 2020, Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ gắn với phát triển du lịch cộng đồng”, huyện đã xây dựng miếu Bàn Vương và Nhà Truyền thống cộng đồng tại thôn Sơn Hải. Công trình là nhà thờ tổ của người Dao, người dẫn dắt con cháu vượt dòng sông để tìm vùng đất mới. Đây cũng là bến đỗ của hành trình vượt sông, du khách còn được trải nghiệm không gian văn hóa Dao trong Nhà Truyền thống cộng đồng, với nhiều mô hình tượng người bằng sáp to bằng người thật, miêu tả lễ cấp sắc, những sinh hoạt hằng ngày của người Dao bên sông Ba Chẽ. Nếu du khách đến đây đúng dịp Lễ hội Bàn Vương còn được trải nghiệm các điệu múa Dao, nghi lễ nhảy lửa, múa rùa, múa vật chày rất độc đáo của người Dao Ba Chẽ.
Nếu du khách đến vào các ngày thường khác cũng được trải nghiệm con sông mang nhiều nét hoang dã; chứng kiến người dân các thôn bám sông Ba Chẽ có nghề chèo thuyền bằng chân rất độc đáo. Đây còn là môn thi thu hút người xem trong Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà được tổ chức hằng năm tại huyện. Du khách có thể trải nghiệm chèo thuyền bằng chân trên sông cùng bà con với rất nhiều điều thú vị.