Mục tiêu của Mỹ không phải là trả lại tài sản bị tịch thu cho Nga - đây là phát biểu vừa được Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đưa ra hôm 14/4.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) và đài RT (Nga) đưa tin, hôm 14/4 vừa qua, phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế của Washington, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết nước này không có kế hoạch trả lại các tài sản bị tịch thu từ các doanh nhân Nga do các lệnh trừng phạt vì cái Moskva gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.
"Trong những ngày tới mục tiêu của chúng tôi là tập trung vào những hành vi lách lệnh trừng phạt", ông Sullivan nói. "Trong vòng 1-2 tuần tới chúng tôi sẽ thông báo về những mục tiêu đang cố gắng lách lệnh trừng phạt hoặc tạo điều kiện cho điều đó tại Nga và các nước khác".
Tuy nhiên, quan chức này cho hay Washington không có ý định trả lại các tài sản đã tịch thu từ những tài phiệt được cho là có liên hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Mục tiêu của chúng tôi không phải là trả lại [tài sản] cho họ", ông Sullivan cho biết giới chức Mỹ dự định sẽ sử dụng các tài sản bị tịch thu "theo cách tốt hơn".
Sau khi Nga phát động cái họ gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, Nhà Trắng đã tung ra một số vòng trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó bao gồm việc tịch thu tài sản ở nước ngoài của Nga cùng với những tài sản thuộc các doanh nghiệp và cá nhân Nga được cho có liên quan tới Tổng thống Putin.
Một số dân biểu của Mỹ đã kêu gọi chính phủ bán hoặc thanh lý số tài sản tịch thu nói trên để lấy tiền ủng hộ Ukraine tái thiết.
Trong khi đó, Tổng thống Putin cho biết Moskva không có kế hoạch quốc hữu hóa tài sản nước ngoài ở Nga để đáp trả động thái của phương Tây.
Về vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine
Theo Reuters, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cũng cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào của Nga nhằm làm gián đoạn việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine đều sẽ khiến quan hệ đối đầu với phương Tây leo thang.
"Mỹ không có lực lượng trong lãnh thổ Ukraine, do đó nếu Nga tấn công lãnh thổ NATO, nơi đang tập kết vật tư và vũ khí, thì hành động đó sẽ kích hoạt Điều 5 của NATO và sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc chơi", ông Sullivan nói.
Điều 5 của hiến chương NATO nói rằng một cuộc tấn công nhắm vào một thành viên của liên minh quân sự này cũng là tấn công và tất cả các thành viên của nó. Trong lịch sử tồn tại của NATO, điều 5 mới chỉ được kích hoạt một lần sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ.
Về cuộc tấn công tàu tuần dương tên lửa của Nga mà Ukraine nhận trách nhiệm hôm 14/4, ông Sullivan nhận định rằng điều đó đã giáng một đòn mạnh vào Nga.
Ông Sullivan nói: "Chúng tôi đã liên lạc với phía Ukraine, họ nói rằng chính họ đã tấn công con tàu bằng tên lửa chống hạm. Chúng tôi chưa thể xác minh điều đó vào thời điểm này, nhưng chắc chắn đó là đòn giáng mạnh vào Nga."
Tuy nhiên, theo Reuters, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga lại nói rằng một ngọn lửa đã bùng phát trên tàu tuần dương tên lửa Moskva thuộc Hạm đội Biển Đen, sau khi đạn nổ trên tàu.
Về khả năng quan chức cấp cao của Mỹ có thể đến thăm thủ đô Kyiv của Ukraine giống như các nhà lãnh đạo của các quốc gia khác, bao gồm chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Anh Boris Johnson, ông Sullivan đã từ chối thảo luận về điều này, và cảnh báo rằng cuộc xung đột quân sự ở Ukraine có thể diễn ra trong nhiều tháng hoặc lâu hơn thế.
VietBF @ Sưu tầm