Donbass có thể là trận "quyết chiến chiến lược" của cả Nga và Ukraine. Quân đội Nga và Ukraine sẽ dốc toàn lực cho trận chiến này.
Cụm chiến đấu Donbass của Ukraine mạnh đến đâu?
Sau hơn một tháng xung đột giữa Nga và Ukraine, cục diện chiến trường đã dần sáng tỏ, Ukraine đã đánh giá sai chiến lược nghiêm trọng về hướng tấn công chính của Quân đội Nga.
Khi bắt đầu xung đột, Quân đội Nga đã sử dụng các đơn vị đổ bộ đường không tinh nhuệ và cơ giới, tiến hành chiến dịch bao vây Kiev, điều này đã thuyết phục được Ukraine rằng hướng tấn công chính của Quân đội Nga là hướng Thủ đô Kiev.
Kết quả là Ukraine đã sử dụng các lực lượng chủ yếu ở phía bắc và phần lớn lực lượng dự bị chiến lược, tất cả dồn vào việc phòng thủ cho Kiev.
Tuy nhiên, Quân đội Nga không mở cuộc tổng tấn công vào Kiev, mà tập trung tấn công vào cụm trận địa Donbass của Ukraine, tiêu diệt lực lượng yểm hộ hai cánh của Quân đội Ukraine ở khu vực Mariupol và Izum.

Bản đồ Cụm phòng ngự Donbass của Quân đội Ukraine hiện nay.
Các trận chiến đấu ở hai bên cánh Donbass đã diễn ra quyết liệt. Khi Quân đội Nga thu hẹp mặt trận khỏi Kiev và các hướng khác thì càng có nhiều quân Nga được tăng cường cho việc bao vây khu vực Donbass. Hóa ra, mục tiêu tấn công chủ yếu của Quân đội Nga từ đầu đến cuối là hướng Donbass.
"Cụm chiến đấu Donbass" dùng để chỉ quân đoàn chiến đấu tinh nhuệ, được Quân đội Ukraine triển khai trên hướng Donbass. Tổng sức mạnh của cụm chiến dịch là khoảng 60.000 quân, bao gồm các đơn vị chiến đấu tinh nhuệ nhất của Quân đội Ukraine.
Trong 8 năm qua, Quân đội Ukraine đã đầu tư xây dựng tại khu vực Donbass các trận địa phòng ngự kiên cố bằng bê tông và hệ thống phòng thủ liên hoàn này rất khó bị phá vỡ từ phía trước.
Chiến thuật của Nga và nhiệm vụ của Ukraine ở Donbass
Cũng nằm trong những cân nhắc trên, Quân đội Nga ban đầu không chọn cách đột phá từ phía trước, mà tiến hành một cuộc tấn công gọng kìm quy mô lớn, trước hết là tấn công vào hai cánh Cụm chiến đấu Donbass của Ukraine, hình thành thế bao vây chiến dịch.
Ngoài ra, việc tấn công các khu vực kiên cố như vậy đòi hỏi sự chuẩn bị hỏa lực lâu dài, do đó Quân đội Nga tiếp tục tấn công vào hệ thống chỉ huy, kho tàng, đầu mối giao thông, trang bị hạng nặng và các vị trí hỏa lực của cụm chiến dịch Quân đội Ukraine trong suốt một tháng qua.
Mục đích của quân Nga là để làm suy yếu tiềm lực chiến đấu của khu vực phòng thủ này càng nhiều càng tốt. Hiện tại, cụm chiến đấu đã mất đi khả năng phòng ngự cơ động, và chỉ có thể thực hiện phòng ngự bị động.
Cụm chiến đấu Donbass là một trong những quân đoàn cấp chiến đấu mạnh nhất của Quân đội Ukraine ở khu vực phía đông, một khi bị tiêu diệt, sẽ giáng một đòn nặng nề vào các hoạt động phòng thủ phía đông của Quân đội Ukraine.
Một số lượng lớn đơn vị cấp lữ đoàn, với đầu tư lớn, được thành lập từ khi nội chiến Ukraine bùng nổ năm 2014. Nếu các đơn vị này bị tiêu diệt, Quân đội Ukraine sẽ mất khả năng ngăn chặn quân Nga ở phía đông.
Vì vậy, trên quan điểm chiến lược, ưu tiên hàng đầu của Quân đội Ukraine là làm mọi cách để giải vây, tiêu diệt cụm chiến dịch Donbass của Quân đội Nga và giải cứu cụm chiến đấu Donbass của họ.
Hiện tại, cụm chiến dịch Donbass của Ukraine đã ở trong tình thế bất lợi khi bị bao vây ba mặt. Do đã mất đi lớp bảo vệ phòng không hiệu quả và khả năng cơ động cơ bản không còn nên nếu Quân đội Ukraine rút lui hấp tấp, họ sẽ có khả năng bị quân Nga truy kích tiêu diệt.
Vì thế, cụm quân chiến dịch Donbass của Ukraine chắc chắn phải lựa chọn cách dựa vào công sự kiên cố để triển khai phòng ngự tại chỗ.
Hiện tại, ưu tiên hàng đầu của Quân đội Ukraine là đảm bảo sự thông suốt của cụm chiến dịch Donbass và hành lang liên lạc với hậu phương phía sau, để cụm chiến dịch Donbass có thể được tiếp tế liên tục. Đây cũng là tiền đề cơ bản để có thể phòng ngự trước sức tấn công của Quân đội Nga.
Trước tình hình Quân đội Nga tập trung lực lượng vào hướng Donbass ngày càng nhiều, đặc biệt là hướng từ hai cánh và bên sườn, để tránh việc tập đoàn quân Donbass bị bao vây và tiêu diệt, Quân đội Ukraine phải tổ chức các chiến dịch giải vây mạnh mẽ.
Lực lượng Ukraine phòng ngự phía sau, ngoài việc bảo đảm an ninh cho tuyến đường phía sau của cụm chiến dịch Donbass, còn phải thực hiện tốt nhiệm vụ phòng ngự, bảo đảm an toàn cho hai bên sườn, hoặc làm lực lượng dự bị phản công của cụm phòng ngự Donbass.
Nếu lực lượng này không hoàn thành nhiệm vụ, để tình hình xấu đi, thì cụm quân trên hướng phòng ngự chủ yếu, có thể không còn cơ hội rút lui, hoặc bị tiêu diệt gọn. Do vậy Ukraine phải nhanh chóng thành lập một lực lượng tác chiến mới.
Ukraine chuẩn bị ra sao cho chiến dịch Donbass?
Trên thực tế, công tác động viên thời chiến của Quân đội Ukraine được tiến hành rất nhanh chóng và quy mô. Hiện nay, Quân đội Ukraine đã tiến hành 2 đợt tổng động viên. Đợt 1 huy động được 9 lữ đoàn dự bị, đợt 2 huy động 25 lữ đoàn dự bị, lực lượng lên tới 200.000 quân.
Tuy nhiên, với một lực lượng khổng lồ như vậy, vấn đề mấu chốt hơn cả là vấn đề vũ khí trang bị.
Do quân đội Nga chiếm ưu thế trên không và sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật, cùng tên lửa hành trình tầm xa tấn công liên tục vào các trang bị hạng nặng của Quân đội Ukraine và các điểm tập kết trang bị phía sau nên Quân đội Ukraine đã bị tổn thất nghiêm trọng về trang bị, đặc biệt là lực lượng tăng, thiết giáp.
Trước chiến tranh, Quân đội Ukraine được trang bị 2.400 xe tăng và xe chiến đấu bộ binh nhưng ở thời điểm hiện tại, khoảng hơn 1.600 xe đã bị tổn thất (chiếm gần 70%).
Tuy nhiên, nếu muốn giải cứu cụm chiến dịch Donbass, Quân đội Ukraine phải đầu tư vào các đơn vị thiết giáp có khả năng tấn công mạnh và cơ động, nếu không họ sẽ bị tổn thất nghiêm trọng.
Theo thông báo mới nhất, Mỹ đã quyết định hợp tác với các quốc gia thành viên NATO khác để cung cấp cho Ukraine 900 xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 nhằm tăng cường khả năng chiến đấu của Quân đội Ukraine.
Tiền thân của nhiều thành viên NATO hiện nay là các nước đồng minh của Liên Xô nên được trang bị rất nhiều xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất. Do vậy, họ có thể nhanh chóng cung cấp cho Quân đội Ukraine loại xe tăng, mà họ sử dụng quen thuộc.
Theo thống kê, Ba Lan có thể cung cấp 721 xe tăng loại T-72, Cộng hòa Séc có thể cung cấp 116 chiếc, Hungary có thể cung cấp 105 chiếc và tổng cộng 942 xe tăng T-72 có thể được huy động cho Ukraine.
Nếu số xe tăng này được bàn giao thành công cho Quân đội Ukraine, số lượng sẽ đủ để thành lập một chục lữ đoàn thiết giáp và cơ giới.
Trước đó, các nước phương Tây đã hỗ trợ Ukraine vũ khí hạng nhẹ như tên lửa cầm tay nhưng đây là lần đầu tiên, việc hỗ trợ quy mô lớn cho các thiết bị hạng nặng như xe tăng chiến đấu chủ lực, được thực hiện.
Điều này cũng khẳng định tình hình chiến trường Ukraine đang xấu đi, quân đội Ukraine đã bị tổn thất nghiêm trọng về trang thiết bị hạng nặng và cần được bổ sung gấp.
Nếu lô xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 này có thể được vận chuyển tới Ukraine trong thời gian ngắn, chúng có thể giúp Quân đội Ukraine nhanh chóng xây dựng lại các lữ đoàn thiết giáp và lữ đoàn bộ binh cơ giới đã bị thiệt hại trước đó, thậm chí thành lập một số lữ đoàn thiết giáp dự bị mới, để tăng cường cho mặt trận Donbass.
Donbass có thể là trận "quyết chiến chiến lược" của cả Nga và Ukraine. Quân đội Nga và Ukraine sẽ dốc toàn lực, và kết quả sẽ được quyết định trong trận chiến này.
VietBF @ Sưu tầm