Các trường ở Mỹ, Australia, Singapore lưu trữ thông tin, quá trình học tập của học sinh bằng tài khoản điện tử, chỉ in ra bản giấy khi cần.
Ở Việt Nam, kết quả học tập, rèn luyện hàng năm của học sinh được lưu trữ trong học bạ. Tài liệu này cũng là công cụ trao đổi thông tin giữa giáo viên, nhà trường với phụ huynh; được trường lưu giữ, chỉ cấp cho học sinh khi các em hoàn thành một cấp học, thôi học hoặc chuyển trường.
Hàng chục năm qua, ngành giáo dục Việt Nam chủ yếu sử dụng học bạ giấy để ghi điểm và nhận xét học sinh. Từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thêm học bạ điện tử. Tuy nhiên, công cụ này tồn tại nhiều bất cập, không thay thế được học bạ giấy. Đây chính là điểm khác biệt lớn trong cách quản lý thông tin học sinh ở Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới.
Trường học các nước lưu trữ thông tin học sinh bằng các tài khoản điện tử. Bản giấy vẫn tồn tại, nhưng chỉ được in ra khi cần.
Thạc sĩ Đinh Thu Hồng, giáo viên tại bang Georgia, cho biết giáo viên ở Mỹ cập nhật điểm số, đánh giá về thói quen làm việc (work habits) cũng như tiêu chí đạo đức (conduct) của học sinh vào các tài khoản điện tử trên hệ thống của học khu. Với môn học, giáo viên có thể cho điểm bằng cả số và chữ (A, B, C, D, F). Thói quen làm việc được đánh giá qua các loại như Xuất sắc - Excellent, Đạt - Satisfactory, Khá - Need Improvement, hay Không đạt - Unsatisfactory.
Các trường phổ thông trong cùng một học khu sử dụng chung hệ thống bảng điểm (report card). Mỗi học khu có thể khác nhau về hình thức, cách trình bày bảng điểm nhưng tương đồng về những yêu cầu cơ bản như điểm số, các bài thi, đánh giá về thói quen làm việc và đạo đức; đặc biệt là thông tin về năng khiếu hoặc các yêu cầu hỗ trợ cụ thể với học sinh.
"Điều này vô cùng quan trọng vì khi học sinh chuyển trường sang thành phố hay bang khác, thông tin này sẽ cần thiết để trường mới tiếp tục cung cấp dịch vụ hỗ trợ, chương trình học phù hợp cho các em", cô Hồng nói.
Phụ huynh hoàn toàn có thể xem được thông tin liên quan đến con qua tài khoản Parent portal do trường cung cấp. Nhờ đó, cha mẹ kịp thời biết tình hình học tập của con qua các đầu điểm, các bài tập nộp muộn hoặc không hoàn thành. Cứ mỗi giữa hay trước khi họp phụ huynh, giáo viên sẽ gửi bảng điểm cho phụ huynh theo email hoặc in ra giấy.
Ngoài thông tin về điểm và nhận xét, tài khoản học sinh còn có số ngày nghỉ học, ngày đi học muộn. Lên cấp ba, bảng điểm cuối kỳ có điểm trung bình tất cả các môn (GPA) và thứ hạng trong khối (rank), phục vụ cho việc xét tốt nghiệp.
Giáo sư Ellie Phuong D. Nguyen - giảng dạy ở Đại học Bang Oklahoma, Mỹ (Oklahoma State University, Stillwater) - là người có kinh nghiệm chuyển trường xuyên bang nhiều lần cho con. Hiện cậu con trai chín tuổi của chị học lớp ba ở Florida. Theo giáo sư, học sinh ở Mỹ từ lớp ba trở lên mới có điểm số chính thức, còn trước đó không chấm điểm. Mỗi em có tài khoản online riêng để phụ huynh theo dõi. Mỗi kỳ một lần, giáo viên họp riêng 20 phút với từng phụ huynh.
"Ở Mỹ khi chuyển trường, phụ huynh chỉ cần đưa thông tin trường cũ để trường mới tự liên hệ và chuyển kết quả học tập", chị Phương nói.
Tương tự Mỹ, ở Australia, các trường học có hệ thống online quản lý thông tin và kết quả học tập của học sinh. Tiến sĩ Tô Thị Vinh, Giảng viên cao cấp trường Sư phạm, Đại học Tasmania, bang Tasmania, cho biết, thông tin được lưu trực tuyến nên khi học sinh chuyển trường, trường mới có thể truy cập lịch sử học tập của các em, nếu hệ thống online của trường mới kết nối được với trường cũ.
Trong trường hợp chuyển trường liên bang, phụ huynh có thể cần ký giấy "Chuyển dữ liệu học sinh liên bang" cho trường mới. "Không có yêu cầu thống nhất về hình thức quản lý kết quả học tập hay giám sát học sinh. Các trường có thể tự thiết kế hệ thống của mình", tiến sĩ Vinh chia sẻ.
Điểm của học sinh tiểu học ở Australia được đánh giá bằng chữ số từ A (cao nhất) đến E. Hiệu trưởng các trường tự quyết định có cần đưa ra nhận xét đối với học sinh hay không.
Vào cấp hai, giáo viên bộ môn sẽ lưu điểm cho môn của họ kèm theo nhận xét học sinh ở mức trên, ngang, hay dưới chuẩn đánh giá trong môn của mình. Giáo viên chủ nhiệm cũng đưa ra nhận xét chung ngắn gọn về tình hình học tập của từng em. Bảng báo cáo kết quả học tập giữa và cuối năm được gửi trong những phong bì A4 dán kín tới phụ huynh.
Hình thức học bạ giấy và điện tử cũng được áp dụng trong các trường ở Singapore. Phó giáo sư Lê Thị Nguyệt Minh ở Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết, học sinh phổ thông có học bạ giấy, được trường in ra khi cần. Mỗi em có mã số riêng và thầy cô dùng máy tính để vào điểm, nhận xét cho từng em.
Các dữ liệu này được đưa vào database (cơ sở dữ liệu) của Bộ Giáo dục nên khi chuyển lớp hay chuyển trường, các em không phải tự chuyển dữ liệu. Dữ liệu học sinh chỉ được in ra, ký và đóng dấu trong trường hợp chuyển trường ra nước ngoài.
"Việc nộp hồ sơ xin học ở các nước phát triển đều qua Internet. Bản in thường chỉ dùng cho việc kiểm tra, xác nhận", phó giáo sư Minh đánh giá chung.