Reuters đưa tin, lực lượng Houthi tuyên bố họ đã tiến hành các cuộc tấn công vào một số cơ sở năng lượng của Saudi Arabia trong ngày 25/3.
Liên minh do Saudi dẫn đầu cho biết, trạm phân phối các sản phẩm xăng dầu của tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Aramco ở Jeddah đã bị trúng hỏa lực, gây cháy 2 bể chứa nhưng không có thương vong.
Một nhân chứng cho biết đám khói đen khổng lồ bốc lên bao trùm thành phố Jeddah, ngay trước khi diễn ra sự kiện đua xe Công thứ 1 (F1) đầu tiên vào cuối tuần này.
Trong một tuyên bố chính thức, liên minh do Saudi dẫn đầu cho biết đám cháy đã được kiểm soát. Tuy nhiên, ngọn lửa vẫn có thể được nhìn thấy trong cảnh quay trực tiếp do kênh truyền hình Ekhbariya thuộc sở hữu của Ả Rập phát sóng.
Bộ năng lượng Saudi Arabia cho biết vương quốc này lên án mạnh mẽ "các cuộc tấn công phá hoại", đồng thời nhắc lại rằng họ sẽ không chịu trách nhiệm đối với bất cứ sự gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu nào do các vụ tấn công như vậy.
Bộ này đổ lỗi cho Iran vì tiếp tục trang bị cho Houthis tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái tiên tiến, nhấn mạnh rằng các cuộc tấn công "sẽ dẫn đến tác động đến năng lực sản xuất của Vương quốc này và khả năng thực hiện nghĩa vụ của họ đối với thị trường toàn cầu". Trong khi đó, Teheran phủ nhận việc vũ trang cho Houthis.
Hiện chưa có bình luận ngay lập tức từ Aramco.

Houthi tấn công cơ sở dầu khí của Saudi Arabia ngày 25/3
Người phát ngôn của Houthi Yahya Sarea cho biết, trong ngày 25/3, tổ chức này đã phóng tên lửa vào các cơ sở của Aramco ở Jeddah và dùng máy bay không người lái tấn công các nhà máy lọc dầu Ras Tanura và Rabigh. Houthi đồng thời cho biết họ cũng đã nhắm mục tiêu vào "các cơ sở quan trọng" ở thủ đô Riyadh.
Vụ tấn công của Houthi nhằm vào các cơ sở năng lượng của Saudi Arabia diễn ra trong bối cảnh nguồn cung dầu khí trên thế giới đang bị biến động do những ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến giá dầu tăng vọt gần mức kỷ lục, trong khi các mặt hàng khác bao gồm nhôm, than đá, đồng, khí đốt tự nhiên, niken, thiếc, lúa mỳ và kẽm cũng đã đạt những mức cao lịch sử.
Tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo thế giới có thể trải qua cuộc khủng hoảng nguồn cung lớn nhất trong nhiều thập kỷ nếu Moscow cắt giảm sản lượng.
"Do những hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine, thế giới có thể phải đối mặt với cú sốc nguồn cung dầu lớn nhất trong nhiều thập kỷ, tạo ra tác động lớn đối với nền kinh tế và xã hội", Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nhận định.
"Thị trường, vốn đang né tránh dầu từ Nga, lại có thêm điều để lo ngại, với các vụ tấn công từ Houthi ảnh hưởng đến sản lượng của Arab Saudi" - Andrew Lipow, chủ tịch Lipow Oil Associates, Houston, bang Texas, nói.
Với tồn kho toàn cầu đang thấp nhất kể từ năm 2014, giới phân tích nhận định thị trường vẫn dễ tổn thương trước mọi cú sốc nguồn cung.
VietBF @ Sưu tầm