Mỹ nhân "sát phu" không ngờ thành hoàng hậu khiến hoàng đế giết cả gia tộc. Mỹ nhân mang tiếng "sát phu" ngay trước khi xuất giá, không ngờ bà lại được hoàng đế nhà Hán lập làm hoàng hậu, trở thành mối tình khắc cốt ghi tâm. Nàng là ai?
Trong xã hội phong kiến, yếu tố môn đăng hộ đối và lợi ích giữa các gia tộc luôn được đặt lên hàng đầu trong các cuộc hôn nhân. Thế nhưng thực tế vẫn có những ngoại lệ. Chẳng hạn như một số hoàng hậu vào thời xưa đều có xuất thân tầm thường ở chốn dân gian.
Đặc biệt, trong thời nhà Hán, có nhiều vị hoàng hậu có xuất thân thấp kém như Hiếu văn Hoàng hậu họ Đậu, từ một cung nữ thấp bé trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ. Một trường hợp nổi tiếng khác có thể nhắc đến như Vệ Tử Phu, hoàng hậu của Hán Vũ Đế có xuất thân từ một vũ nữ, thân phận thấp kém trong xã hội lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, vị hoàng hậu của Hán Tuyên Đế, hoàng đế thứ 10 của nhà Hán, có lẽ là trường hợp đặc biệt hơn cả. Bởi mỹ nhân này không những có xuất thân tầm thường mà còn mang tiếng là "sát phu".
Nàng tên là Hứa Bình Quân, hay được gọi là Cung Ai Hoàng hậu. Đây là hoàng hậu đầu tiên của Hán Tuyên Đế và là sinh mẫu của Hán Nguyên Đế.
Hứa Bình Quân là người vợ thuở hàn vi của hoàng đế Hán Tuyên Đế. Ảnh: Sohu
Hứa Bình Quân là con gái của Hứa Quảng Hán, người ở Xương Ấp, nay là huyện Kim Hương, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ban đầu Hứa Quảng Hán làm chức Thị tòng cho Xương Ấp Ai vương Lưu Bác.
Tuy nhiên, trong một lần lấy nhầm yên ngựa của người khác nên Hứa Quảng Hàn phải chịu phạt cung hình, trở thành hoạn quan. Biến cố liên tiếp xảy ra. Sau đó, do không hoàn thành nhiệm vụ trong việc điều tra một vụ án, Hứa Quảng Hán lại bị Hán Chiêu Đế điều đi làm chức vụ coi ngục ở trong Dịch Đình.
Trước khi trở thành hoạn quan, vợ chồng Hứa Quảng Hán có một người con gái, chính là Hứa Bình Quân.
Hứa Bình Quân rất xinh đẹp. Khi mới 15 tuổi, nàng được hứa gả cho con trai của Nội giả lệnh Âu Hầu thị, một quan lớn trong triều nhà Hán. Tuy nhiên, trước ngày xuất giá, người chồng hứa hôn không may qua đời vì một cơn bạo bệnh.
Mẹ của Hứa Bình Quân khi đó dẫn con gái đi coi bói và nhận được lời dự đoán rằng nàng sẽ được gả cho một quý nhân.
Trong khi đó, Hán Tuyên Đế, tên thật là Lưu Bệnh Dĩ, sau đổi thành Lưu Tuân, phải sống trong Dịch Đình, trải qua cuộc sống thường dân. Sau khi nghe Dịch Đình lệnh Trương Hạ, trước là Gia lại của Lệ thái tử Lưu Cứ, ông nội của Lưu Bệnh Dĩ, kể về thân phận là họ hàng gần của đương kim hoàng đế, nên cha của Hứa Bình Quân đã quyết định gả nàng cho Lưu Bệnh Dĩ.
Lưu Bệnh Dĩ và Hứa Bình Quân thành hôn năm 75 TCN và chỉ một năm sau nàng sinh được Lưu Thích, chính là Hán Nguyên Đế sau này. Hai người tuy trải qua cuộc sống bình dân nhưng sống rất hạnh phúc.
Hoàng đế nhất mực chung tình
Đến năm 74 TCN, sau khi Hán Chiêu Đế băng hà, Xương Ấp vương Lưu Hạ kế vị nhưng lại bị phế truất chỉ sau 27 ngày do thiếu khả năng trị vì. Chính vì vậy, Lưu Bệnh Dĩ với thân phận là hoằng tằng tôn nên đã được đại thần phụ chính Hoắc Quang chọn làm người kế vị của Hán Chiêu Đế, sử gọi là Hán Tuyên Đế.
Thành hôn từ thuở hàn vi nên Hán Tuyên Đế có tình cảm sâu đậm với Hứa Bình quân. Khi lên ngôi hoàng đế, trong khi triều thần bàn nhau lập con gái Hoắc Quang là Hoắc Thành Quân làm hoàng hậu, Hán Tuyên Đế ra chiếu chỉ về việc tìm lại thanh gươm cũ đã dùng ở thuở hàn vi. Sau khi nghe được việc này, triều thần hiểu ý của Hán Tuyên Đế rằng không quên người thê tử kết tóc thuở gian khổ, nên ủng hộ lập Hứa Bình Quân làm hoàng hậu.
Hành động của Hán Tuyên Đế với người vợ thuở hàn vi là Hứa Hoàng hậu được người đời sau gọi là "Cố kiếm tình thâm", điển tích nổi tiếng trong văn học.
Thế nhưng không ngờ việc lên ngôi hoàng hậu lại khiến Hứa Bình Quân trở thành mục tiêu bị kẻ khác hãm hại.
Sau khi lên ngôi mẫu nghi thiên hạ, Hứa Hoàng hậu mang thai người con thứ hai. Thế nhưng bấy giờ Hiển phu nhân, vợ của Hoắc Quang và là mẹ của Hoắc Thành Quân, đã bày kế mua chuộc nữ y để hạ độc Hứa Hoàng hậu.
Kết quả, Hứa Hoàng hậu bị trúng độc và qua đời đầy nuối tiếc trong khi đứa con thứ hai vẫn còn chưa kịp chào đời.
Hán Tuyên Đế bấy giờ rất đau xót. Ông đã ban tặng thụy hiệu cho Hứa Bình Quân là Cung Ai Hoàng hậu và quyết tâm điều tra về cái chết của người vợ thuở hàn vi.
Âm thầm trả thù cho vợ yêu
Năm 70 TCN, 2 năm sau khi Hứa Hoàng hậu qua đời, do thế lực của Bác Lục Tuyên Thành hầu Hoắc Quang quá lớn, nên Hán Tuyên Đế lập Hoắc Thành Quân trở thành Kế Hoàng hậu và tỏ ra sủng ái.
Đến năm 68 TCN, cha của Hoắc Hoàng hậu là Hoắc Quang qua đời, Hán Tuyên Đế dần lấy lại quyền lực trong triều. Dù thân thích của Hoắc Hoàng hậu vẫn còn nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng nhưng dần mất đi thực quyền.
Sau đó, Hán Tuyên Đế quyết định lập Lưu Thích, con trai của Hứa Hoàng hậu, làm hoàng thái tử, đồng thời cũng cho người điều tra về cái chết của vợ yêu là Hứa Bình Quân năm xưa.
Bấy giờ do lo sợ bị bại lộ âm mưu năm xưa nên Hiển phu nhân đã cùng với con cháu họ Hoắc bày mưu để tạo phản, tiến tới mục đích phế bỏ Tuyên Đế.
Tuy nhiên, âm mưu này đã bị bại lộ. Hán Tuyên Đế ra lệnh xử tử toàn bộ gia tộc họ Hoắc vì tội mưu phản và mối thù sát hại người vợ yêu của ông năm xưa. Bi kịch xảy ra với gia tộc họ Hoắc khi có tới hơn 1.000 người bị xử tử. Duy chỉ có người con rể là Kim Thưởng được miễn tội chết vì có công tố cáo.
Chưa hết, Hoắc Hoàng hậu cũng bị phế truất, đẩy vào lãnh cung vì tội danh mưu sát thái tử Lưu Thích không thành, không có cái ân tình của người mẹ, không xứng mang y phục phụng sự Tông miếu. Nhiều năm sau đó, Hán Tuyên Đế còn hạ chỉ đày Hoắc Hoàng hậu đến Vân Lâm quán, một nơi xa hơn. Cuối cùng, Hoắc Hoàng hậu đã chọn cách tự sát để kết thúc cuộc đời.
Không ngờ chỉ vì ngôi vị hoàng hậu mà cả gia tộc họ Hoắc phải trả giá quá đắt.
VietBF@sưu tầm.
|
|