Ho khạc đờm kéo dài, sốt, tức ngực, khó thở từng đợt là dấu hiệu viêm phế quản mạn tính, cần được thăm khám và điều trị kịp thời.
Viêm phế quản mạn tính là tình trạng viêm niêm mạc đường hô hấp trong thời gian dài gây ho khạc đờm thường xuyên, tức ngực, khó thở... Bệnh tái phát nhiều lần, nếu không được điều trị có thể dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Theo bác sĩ Lã Quý Hương (Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội), nhiều người thường chủ quan bỏ qua các triệu chứng của bệnh lý viêm phế quản mạn và tin rằng ho khạc đờm chỉ đơn thuần là do hút thuốc. Hậu quả khiến người bệnh gặp phải biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe như tổn thương phổi nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hô hấp, tim mạch, thậm chí tính mạng.
Khi mắc viêm phế quản mạn tính, người bệnh thường gặp các dấu hiệu như ho khạc đờm từng đợt kéo dài trên 2 tuần, có thể có sốt trong các đợt ho khạc đờm, xuất hiện triệu chứng thở khò khè hoặc khó thở từng đợt, mất ngủ hoặc khó ngủ kéo dài từng đợt vì ho, tức ngực.
Sốt, kèm theo ho, khạc đờm từng đợt là một trong những dấu hiệu của viêm phế quản mạn tính ở người lớn. Ảnh: Shutterstock
Phương pháp điều trị
Theo bác sĩ Quý Hương, viêm phế quản mạn tính tuy không thể điều trị dứt điểm nhưng bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát nếu được chẩn đoán và điều trị sớm bao gồm dùng thuốc và thay đổi lối sống. Một số biện pháp điều trị viêm phế quản mạn tính có thể được sử dụng như:
Điều trị bằng thuốc: tùy thuộc vào tình trạng của bệnh của người bệnh mà bác sĩ có thể sẽ lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp, có thể dùng:
Thuốc giãn phế quản: thuốc giãn phế quản là một loại thuốc giúp mở đường thở để người bệnh hô hấp dễ dàng hơn. Các thuốc giãn phế quản thường được sử dụng dưới dạng phun hít với tác dụng tại chỗ.
Thuốc chống viêm: Steroid giúp làm giảm sưng tấy và giảm sự thu hẹp đường dẫn khí do viêm.
Liệu pháp oxy: sử dụng với những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có tình trạng suy hô hấp dẫn đến nồng độ oxy trong máu hạ thấp.
Áp dụng các biện pháp không thuốc, khắc phục lối sống
Phục hồi chức năng: phục hồi chức năng phổi là chương trình nhằm cải thiện nhịp thở và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Phương pháp này bao gồm các bài tập thể dục, tập thở và tư vấn dinh dưỡng.
Bỏ thuốc lá: khói thuốc lá chứa hơn 1.000 phân tử oxy hóa. Các phân tử này gây tổn thương lên phổi bằng cách làm giảm chất chống oxy hóa nội sinh và các chất chống oxy hóa khác. Cai thuốc lá là cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ, làm chậm quá trình tiến triển của các tổn thương ở phổi và ngăn ngừa bệnh lý viêm phế quản mạn.
Tập thở mím môi: thở mím môi là một trong những phương pháp hỗ trợ rất nhiều cho quá trình điều trị của bệnh nhân mắc các bệnh về hô hấp. Để thực hiện, người bệnh mím môi và hít không khí vào bằng mũi rồi thở ra từ từ bằng miệng (chúm môi như thổi sáo), thời gian thở ra gấp đôi thời gian lúc hít vào. Lặp đi lặp lại động tác này hàng ngày để cho kết quả được tốt nhất. Mỗi ngày nên tập khoảng 3 lần (mỗi lần 15 phút).
Hít thở không khí ẩm và ấm từ máy tạo ẩm giúp làm dịu cơn ho và làm giảm chất nhầy trong đường thở của người bệnh. Để đảm bảo quá trình điều trị được tốt nhất, người bệnh cần vệ sinh máy tạo ẩm thường xuyên theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Vi khuẩn và nấm có thể phát triển trong bình chứa nước và gây nguy hại tới hệ hô hấp nếu máy tạo ẩm không được làm sạch đúng cách.
Tập thể dục: mang đến nhiều lợi ích đối với cơ thể, đặc biệt là sức khỏe của lá phổi. Trong quá trình tim hoạt động, cơ bắp cần nhiều oxy để làm tăng nhu cầu lấy không khí ở phổi và giúp lưu thông máu ở tim. Tập thể dục sẽ giúp người bệnh viêm phế quản mạn hạn chế một số triệu chứng như khó thở, khò khè. Tuy vậy, với mỗi người bệnh cần có chế độ tập luyện phù hợp với tình trạng cụ thể của người bệnh đó.
Những lưu ý sau khi điều trị viêm phế quản mạn tính
Theo bác sĩ Quý Hương, đối với những bệnh nhân viêm phế quản mạn tính, bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc thì chế độ sinh dưỡng lành mạnh cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Người bị viêm phế quản mạn cần lưu ý bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể bởi nếu để mất nước người bệnh sẽ đau đầu, khó thở, chóng mặt và mất phương hướng. Bên cạnh nước lọc, người bệnh cũng có thể bổ sung nước từ các loại thực phẩm, hoa quả...
Ngoài ra, người bệnh viêm phế quản mạn tính cũng nên bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ từ rau xanh và hoa quả; ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt; thịt gia cầm, cá và các loại đậu để bổ sung protein; các loại sữa ít béo hoặc sữa thực vật.
Bên cạnh những thực phẩm cần bổ sung thì trong chế độ ăn, người mắc viêm phế quản nên tránh đồ uống có ga và thức ăn chứa nhiều đường. Giảm hàm lượng muối, đường phụ gia, cholesterol.
Hạn chế dùng thịt đỏ, các loại thịt chế biến sẵn và thịt đỏ nếu ăn nhiều sẽ khiến các triệu chứng của người mắc viêm phế quản trở nên nặng hơn. Hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều chất béo, phô mai hoặc thực phẩm chiên xào, dầu mỡ, chứa nhiều gia vị... Nhóm thực phẩm này dễ gây đầy hơi, chướng bụng khiến người viêm phế quản mạn cảm thấy khó thở hơn.
"Nếu phát hiện bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ viêm phế quản, người bệnh cần tới ngay cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời", bác sĩ Quý Hương lưu ý.
VietBF©sưu tập