Võ sư Trung Quốc bị “tẩu hoả nhập ma” khi luyện Bát Quái Chưởng dẫn tới đột tử? Thật đáng tíc cho võ sư Mã Duy Kỷ, đại đồ đệ của Chưởng môn Bát quái Chưởng, có võ công rất lợi hại nhưng lại quá đoản mệnh.
Mới đây, truyền thông Trung Quốc có bài viết về một cao thủ có những giai thoại đặc biệt ở làng võ nước này. Ông là Mã Duy Kỳ, một trong những đại đồ đệ của Đổng Hải Xuyên – người sáng lập ra Bát quái Chưởng. Sinh thời, Mã Duy Kỷ có võ công rất lợi hại, là bậc thầy chiến đấu nhưng lại chết ở tuổi 29 và sự kiện này có liên quan tới việc luyện Bát quái Chưởng.
TẦM SƯ HỌC ĐẠO
Theo các tài liệu ở Trung Quốc thì Mã Duy Kỷ sinh ra ở huyện Định Hưng, tỉnh Hà Bắc vào năm 1847, một trong những cái nôi của võ thuật Trung Hoa, nơi mà các cao thủ nhiều không đếm xuể.
Vào thời nhà Thanh, mặc dù võ thuật của người dân lao động bị giai cấp thống trị đàn áp nhưng trong các cuộc thi võ thuật thời đó, Hà Bắc vẫn sản sinh ra nhiều nhà vô địch . Dưới tác động của môi trường đó, Mã Duy Kỷ sớm đam mê võ thuật từ nhỏ, ông luôn mơ ước sau này lớn lên sẽ trở thành một cao thủ có thể đầu đội trời, chân đạp đất. Mã Duy Kỷ theo học võ từ thuở thiếu thời, mau chóng nổi tiếng khắp huyện Định Hưng từ khi còn rất trẻ.
Mã Duy Kỷ đã đi khắp nơi để tìm kiếm các vị chân sư. Cơ duyên khiến ông gặp gỡ được đại sư Đổng Hải Xuyên – cao thủ được giới võ lâm ca ngợi là có võ công cái thế, ít người sánh kịp.
Huyền thoại sáng lập Bát Quái Chưởng Đổng Hải Xuyên chính là sư phụ của Mã Duy Kỷ. Ảnh: Sohu
Thời điểm ấy, võ lâm Trung Hoa có hai đại cao thủ nổi tiếng nhất thì Đổng Hải Xuyên chính là một trong hai người đó. Người còn lại là Dương Lộ Thiền – sư phụ sáng lập ra Thái Cực Quyền.
Có giai thoại kể rằng Đổng Hải Xuyên và Dương Lộ Thiền từng có lần giao đấu với nhau để phân tài cao thấp. Hôm đó, Dương Lộ Thiền so tài với các võ sĩ của Vương phủ. Lộ Thiền dễ dàng chiến thắng và ném những võ sĩ này ra khỏi bờ tường. Đi ngang qua nhìn thấy cảnh tượng đó, Đổng Hải Xuyên ngỏ ý muốn được tỉ thí và Dương Lộ Thiền đồng ý. Hai cao thủ giao đấu hơn 10 hiệp bất phân thắng bại.
Mã Duy Kỷ là một trong số người đã đến gặp Đổng Hải Xuyên để bái sư. Với tố chất của một thần đồng võ thuật, trình độ công phu của Mã Duy Kỷ như cá gặp nước, tiến bộ chóng mặt. Có lần, sư phụ nói với Mã Duy Kỷ rằng: "Nếu con có thể chuyên tu tập luyện trong 3 năm, con sẽ trở thành một bậc thầy của Bát quái Chưởng".
Thông thường, để trở thành một cao thủ của Bát quái Chưởng phải mất mười mấy năm, thậm chí là 30 năm. Tuy nhiên, Đổng Hải Xuyên lại tin rằng Mã Duy Kỷ chỉ cần 3 năm để lĩnh hội hết mọi tinh hoa của Bát quái Chưởng. Điều này cho thấy Mã Duy Kỷ hoàn toàn khác những người thường.
Sau khi nghe câu nói của sư phụ, Mã Duy Kỷ đã vùi mình vào luyện công, không quản ngày lẫn đêm. Trình độ của Mã Duy Kỷ chẳng mấy chốc đã leo lên trở thành vị trí số 1 trong số các đại đồ đệ của Đổng Hải Xuyên.
NỔI TIẾNG KHẮP KINH ĐÔ
Ba năm sau, Mã Duy Kỷ quả nhiên trở thành một bậc thầy của Bát quái Chưởng. Mã Duy Kỷ dùng võ công để giao du với bạn bè và đánh bại nhiều cao thủ võ thuật. Tên tuổi của ông nổi danh khắp kinh đô.
Giai thoại kể rằng có lần, một võ sư có tên là Phật Lục đã tới tìm gặp để thách đấu Mã Duy Kỷ. Mã Duy Kỷ nhận lời giao đấu nhưng giao kèo rằng ông chỉ đứng quay lưng lại và đánh chứ không cần phải đứng đối diện. Kết quả là Mã Duy Kỷ đã đánh bại đối phương bằng một rất hiểm. Phật Lục đã rất kinh ngạc sau trận đấu và lập tức xin được nhận Mã Duy Kỷ làm thầy.
Một thời gian sau, Mã Duy Kỷ có mở một xưởng nhỏ sản xuất than. Hàng ngày, ông vừa làm việc vừa luyện công quanh lò than. Kỹ năng chiến đấu của Mã Duy Kỷ được nâng cao hơn sau một thời gian dài ông chỉ luyện các đòn chân. Giới võ lâm dùng thêm biệt danh "Thiết cước" để đặt cho ông.
Thế nhưng theo thời gian, Mã Duy Kỷ dần trở nên tự phụ sau khi giành rất nhiều chiến thắng ở các lần giao đấu với nhiều nhân vật trong giới võ lâm. Mã Duy Kỷ không chỉ nổi danh ở Bắc Kinh mà ông thường đến Hà Nam, Hà Bắc và Sơn Đông, cùng nhiều nơi khác để tìm đối thủ thi đấu với mình.
Khi chiến đấu, Mã Duy Kỷ thường không tuân theo quy tắc mà thường dùng những đòn hiểm, thậm chí bị coi là "ác độc". Ông không bao giờ thương xót với đối thủ và theo những giai thoại thì những bại tướng của ông hầu hết đều chết hoặc tàn tật. Điều này khiến Mã Duy Kỷ ngày càng có nhiều kẻ thù.
ĐỘT TỬ VÌ NGHI VẤN BỊ "TẨU HOẢ NHẬP MA"
Với tính khí ngạo mạn, Mã Duy Kỷ thường gây gổ với mọi người. Có một lần, Mã Duy Kỷ đến nhà sư thúc của mình (một đồng môn cũ của sư phụ Đổng Hải Xuyên) để chúc Tết. Họ Mã thấy vị sư phụ này rất tinh thông côn pháp nên rất thích thú, ngỏ ý muốn xin được thọ giáo.
Kết quả là Mã Duy Kỷ đã không tôn trọng bậc tiền bối. Ông tước được cả cây côn trên tay đối thủ rồi đánh cho sư thúc nằm bất động. Mã Duy Kỷ lẳng lặng bỏ đi con vị võ sư kia sau đó phải nằm liệt giường suốt vài tháng.
Thời gian này, Mã Duy Kỷ thường có thói quen luyện công đến nửa đêm. Thế nhưng, vào một đêm mùa thu năm 1876, khi đang luyện công thì bất ngờ Mã Duy Kỷ bị thổ huyết và đột tử giữa sân.
Cái chết đột ngột này đã gây chấn động cho giới võ lâm Trung Quốc vào thời điểm đó. Nhiều lời bán tán nổ ra xung quanh cái chết của Mã Duy Kỷ.
Có người cho rằng Mã Duy Kỷ đã trúng độc vì có quá nhiều kẻ thù trong giới võ lâm. Người lại cho rằng ông bị ám sát bởi một đệ tử bí mật của Đổng Hải Xuyên, bởi Mã Duy Kỷ đã phá vỡ những quy tắc của võ thuật.
Tuy nhiên, nhiều người khác lại cho rằng Mã Duy Kỷ đã chết do… "tẩu hoả nhập ma" khi luyện Bát Quái Chưởng. Lý do là bởi muốn luyện công trước hết phải luyện khí. Mã Duy Kỷ không chú trọng luyện khí, đốt cháy giai đoạn dẫn tới hậu quả là bị thiệt mạng.
Cho tới nay, nguyên nhân thật sự dẫn tới cái chết của Mã Duy Kỷ vẫn là đề tài gây tranh cãi cho giới nghiên cứu võ thuật Trung Quốc. Cái chết của ông vẫn là một bí ẩn chưa thể giải đáp. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, việc bị rối loạn các chức năng của cơ thể mà người xưa vẫn gọi là "tẩu hoả nhập ma" do tập luyện nội công sai cách là hoàn toàn có thật, điều này có thể dẫn tới những di chứng nặng nề về sức khoẻ thậm chí là tử vong.
VietBF@sưu tầm.