Các nhà máy ở Thâm Quyến, bao gồm cả nhà máy sản xuất iPhone, dừng hoạt động sau khi siêu đô thị này thắt chặt các biện pháp chống dịch vì ca nhiễm mới tăng cao.
Nhà chức trách Thâm Quyến hôm 13/3 ra lệnh phong tỏa thành phố có dân số 17,5 triệu người trong bối cảnh số ca Covid-19 tăng vọt. Thành phố ngừng các phương tiện giao thông công cộng, người dân hạn chế ra đường, các công ty khởi động chế độ làm việc từ xa, trong khi các nhà máy sản xuất phải đóng cửa, trừ một số đơn vị hàng thiết yếu. Thâm Quyến sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm trên toàn thành phố.
Thâm Quyến được mệnh danh là "Thung lũng Silicon" của Trung Quốc và là nơi tập trung các công ty công nghệ cao sản xuất chip, điện thoại thông minh, TV panel, phần cứng viễn thông và máy bay không người lái. Đây cũng là thành phố xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc, với lượng hàng hóa xuất khẩu trị giá 1,92 nghìn tỷ nhân dân tệ (300 tỷ USD) năm 2021.

Người dân xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở quận Nam Sơn, Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hôm 13/3. Ảnh: IC
Theo Global Times, các nhà máy lắp ráp iPhone của Foxconn - đối tác sản xuất lớn nhất của Apple - ở Thâm Quyến đã ngừng hoạt động từ 14/3, theo chính sách dập dịch của chính quyền địa phương. Foxconn có hai nhà máy chính đặt tại Công viên Khoa học Longhua và Công viên Khoa học Guanlan, có diện tích lần lượt là 2,3 km2 và 2,95 km2. Các nhà máy này sản xuất iPhone, iPad, iMac và phụ kiện Apple. Hiện công ty này đã điều chỉnh dây chuyền sản xuất sang những nơi khác để "tối thiểu hóa những tác động".
Unimicron Technology Corp, một nhà sản xuất bảng mạch in lớn có trụ sở tại Đài Loan, thông báo tạm ngừng sản xuất vào ngày 14/3, theo yêu cầu kiểm soát dịch bệnh của thành phố.
Nhà sản xuất xe điện và thiết bị bảo hộ cá nhân BYD, công ty có khoảng 40.000 nhân sự ở quận Bình Sơn, Thâm Quyến, cũng cho biết đang thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh theo yêu cầu của chính quyền địa phương.
Trong khi đó, các ông lớn công nghệ Trung Quốc đặt trụ sở tại Thâm Quyến như Tencent, Huawei yêu cầu nhân viên chuyển sang làm việc tại nhà. Tencent thậm chí còn đề nghị nhân viên cầm theo máy tính cá nhân ngay cả khi đi xét nghiệm tập trung, vì nếu không may có kết quả dương tính sẽ bị cách ly một thời gian, ảnh hưởng tới công việc.
Wang Xin, chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử xuyên biên giới Thâm Quyến, cho biết "nút tạm dừng" trên chuỗi hậu cần, từ kho đến cảng, có thể ảnh hưởng đến thương mại điện tử xuyên biên giới và dẫn đến ảnh hưởng chuỗi cung ứng. Wang cho biết Hiệp hội đang liên lạc cơ quan chức năng về việc triển khai các chính sách ứng phó cho các ngành công nghiệp này.
Thâm Quyến là một trong những thành phố cảng lớn nhất thế giới và bất kỳ sự gián đoạn nào cũng có thể gây áp lực nghiêm trọng lên chuỗi cung ứng. Mùa hè năm ngoái, cảng Yantian tại đây buộc đóng cửa trong gần một tuần, sau khi phát hiện các ca Covid-19 khiến hàng hóa tồn đọng, phải mất nhiều tháng để giải phóng và khiến giá cước vận tải trên toàn cầu tăng vọt.
Một chuyên gia cao cấp về chất bán dẫn nói với Global Times việc ngừng sản xuất kéo dài một tuần có thể được bù đắp bằng việc vận chuyển và sản xuất nhanh hơn sau đó, nhưng không thể tránh khỏi một số trục trặc trong chuỗi cung ứng và hậu cần. Giá có thể dao động và một số mặt hàng có thể cháy hàng.
Hôm 15/3, Trung Quốc ghi nhận 5.154 ca Covid-19 mới, trong đó 1.647 ca không có triệu chứng. Đây là con số không lớn nếu so sánh trên toàn cầu, nhưng là đáng kể đối với Trung Quốc - nơi theo đuổi chiến lược Zero-Covid trong vòng hai năm qua. Hơn 4.000 trong số những ca Covid-19 ở tỉnh Cát Lâm, đông bắc giáp Nga. Thâm Quyến ghi nhận 60 ca nhiễm mới ngày 15/3. Hiện Trung Quốc đã phong tỏa nhiều thành phố lớn như Thâm Quyến, Cát Lâm, Đông Quan... với khoảng 45 triệu dân để chống dịch.