Kỳ họp Quốc hội Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến thách thức, đặc biệt là xung đột Nga - Ukraine, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình hình tại Trung Quốc.
Từ ngày 27/2, Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã bắt đầu phiên họp thứ 33 để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội), dự kiến khai mạc vào ngày 5/3.
Đây là kỳ họp quan trọng của Trung Quốc, là cơ hội để các nhà lãnh đạo nước này xem xét lại các chính sách cũ và đưa ra kế hoạch tương lai cho đất nước.
Năm nay, kỳ họp Quốc hội Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến thách thức, đặc biệt là xung đột giữa Nga và Ukraine, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình hình trong nước Trung Quốc.
Vì vậy, theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), cuộc khủng hoảng Ukraine dự kiến sẽ chi phối kỳ họp lần này.
Trọng tâm trên bàn họp Quốc hội
Khi những lời kêu gọi Trung Quốc "hãy làm gì đó" để giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng Ukraine đang ngày càng gia tăng, Bắc Kinh đã phải đối mặt với tình thế "tiến thoái lưỡng nan", vốn có thể làm lu mờ phiên họp Quốc hội quan trọng lần này.
Theo thông tin của Đài CGTN (Trung Quốc) hôm 2/3, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhờ tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột quân sự với Nga.
Nhưng theo các chuyên gia, giữa Nga và phương Tây, Trung Quốc thực sự rất khó để lựa chọn. "Trung Quốc khó có khả năng lên án chiến dịch quân sự của Nga nhưng cũng không ủng hộ hết mình cho Moscow - một đối tác chiến lược quan trọng", một chuyên gia nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2. Quyết định xảy ra chỉ vài tuần sau khi Bắc Kinh và Moscow đồng ý thúc đẩy "quan hệ đối tác chiến lược không giới hạn" của họ trước phản ứng ngày càng gay gắt từ phương Tây.
Trung Quốc đã tỏ ra thận trọng trong phản ứng trước cuộc khủng hoảng Ukraine, thường xuyên tuyên bố quan điểm chính sách đối ngoại của mình là không can thiệp.
Bắc Kinh đang cố gắng cân bằng các nỗ lực để trở thành "một cường quốc toàn cầu có trách nhiệm" với một liên minh đang phát triển với Nga, cũng như trong quan hệ với Ukraine - nguồn cung cấp ngũ cốc, ngô và cả công nghệ quân sự quan trọng cho Trung Quốc.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, Bắc Kinh đã hai lần bỏ phiếu trắng với các nghị quyết của Liên hợp quốc về vấn đề Ukraine.
Điện đàm với Tổng thống Nga Putin hôm 25/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng Nga nên đàm phán với Ukraine và chủ quyền an ninh "của tất cả các nước" cần được tôn trọng.
Nhưng ở một động thái khác, ông Tập cũng nói rằng, cần phải loại bỏ "tâm lý Chiến tranh Lạnh".
Khủng hoảng càng leo thang, Bắc Kinh càng khó xử
Shi Yinhong - chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc - cho rằng, khi cuộc khủng hoảng Ukraine ngày càng leo thang, Bắc Kinh sẽ càng cảm thấy khó xử hơn.
"Thế giới sẽ phân cực hơn nữa và các cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Nga chống lại Mỹ và phương Tây sẽ tiếp tục và thậm chí leo thang hơn nữa. Nó sẽ khiến chiến lược và chính sách của Trung Quốc bị chậm trễ trong khi những thách thức ngày càng lớn", chuyên gia Shi nói.
Ông Shi nói rằng, Bắc Kinh rõ ràng không thể ủng hộ hành động của Moscow đối với Ukraine nhưng cũng không trực tiếp thách thức các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhờ tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột với Nga.
Theo ông Shi, "Trung Quốc sẽ làm những gì có thể trong khả năng vừa phải để giúp đỡ Nga, quốc gia đang gặp khó khăn về kinh tế và tài chính".
Vào ngày Tổng thống Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Trung Quốc đã tuyên bố dỡ bỏ các hạn chế đối với nhập khẩu lúa mì của Nga.
Sau đó, công ty dầu khí Gazprom (Nga) hôm 28/2 cho biết đã ký hợp đồng xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên mới đến Trung Quốc qua Mông Cổ. Nếu được khởi công, đây sẽ là thỏa thuận lớn nhất của gã khổng lồ năng lượng Nga với Trung Quốc.
Theo Li Mingjiang - Phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Đại học Công nghệ Nanyang (Trung Quốc), Bắc Kinh đã thể hiện rõ ràng lập trường của mình về một số vấn đề. "Ví dụ, Bắc Kinh tôn trọng những lo ngại về an ninh của Nga và phản đối việc NATO mở rộng", chuyên gia Li nói.
Chuyên gia Shi Yinhong cho biết, căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây có thể trở nên tồi tệ hơn do cuộc khủng hoảng Ukraine. "Nhưng mối lo đó khó có thể xảy ra nếu Bắc Kinh vẫn giữ vững lập trường của mình. Với Mỹ và châu Âu, họ không thể mong đợi nhiều từ Trung Quốc", chuyên gia Shi nói.
Mọi con mắt đều đổ đồn vào một người
Xung đột tại Ukraine dự kiến sẽ nằm trong số các vấn đề trọng tâm và thu hút chú ý khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tổ chức cuộc họp báo về kỳ họp Quốc hội vào ngày 7/3 tới.
Theo SCMP, rất có khả năng ông Vương Nghị sẽ tuyên bố rõ cách Bắc Kinh định hướng mối quan hệ với Washington - động thái đang rất được chờ đợi.
Hôm 1/3, trong lần đầu tiên đọc Thông điệp liên bang, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố, nước này và Trung Quốc đang chạy đua để "giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh kinh tế của thế kỷ 21". Ông Biden cũng cho biết, thành công của Mỹ trong việc cạnh tranh cho "việc làm của tương lai" sẽ phụ thuộc vào việc đảm bảo một "sân chơi bình đẳng với Trung Quốc và các đối thủ khác".
Pang Zhongying - giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Hải Dương Trung Quốc - cho biết, Bắc Kinh có khả năng duy trì cách tiếp cận "thực dụng" trong giao dịch với Mỹ và sẽ "tìm cách tránh chia rẽ với Washington".
Ông Pang đưa ra ví dụ về việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong tuần này đã nói rằng, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong sáng kiến "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn".
VietBF @ Sưu tầm