Theo Daily Sabah, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdoğan hôm 2/3 đã đặt câu hỏi cho các lãnh đạo EU: "Tại sao các vị lại lo lắng về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối?"
Theo Daily Sabah, Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan hôm 2/3 cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) trong vấn đề quy trình gia nhập khối của Ukraine, và thúc giục Brussels thể hiện sự nhạy cảm tương tự đối với đơn xin gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cụ thể, trả lời câu hỏi về nỗ lực gia nhập EU của Ukraine tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Kosovo Vjosa Osmani ở thủ đô Ankara, Tổng thống Erdoğan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách là ứng cử viên EU trong nhiều thập kỷ, sẽ ủng hộ bất kỳ sự mở rộng nào của NATO và EU.
"Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực để Ukraine trở thành thành viên EU. Nhưng tôi muốn hỏi các nước thành viên EU, tại sao các vị lại lo lắng về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối?" - ông Erdoğan nói.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi EU đối xử với nước này giống như cách Kiev đang được đối xử, đồng thời lên án các quốc gia thành viên EU là "thiếu chân thành".
"Các vị sẽ đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào chương trình nghị sự của mình khi chúng tôi cũng bị ai đó tấn công chứ?" - ông Erdoğan bình luận.
Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn xin gia nhập vào năm 1987 và đã nhận được tư cách ứng cử viên, nhưng các cuộc đàm phán về quy trình gia nhập của họ đã bị đình trệ do sự phản đối của Đức, Pháp và Cyprus.
Đầu tuần này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi EU xúc tiến quá trình gia nhập khối "ngay lập tức" cho nước này thông qua "một thủ tục đặc biệt mới".
Hôm 1/2, Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết kêu gọi các tổ chức của EU "làm việc để hướng tới việc trao" tư cách ứng cử viên cho Ukraine sau khi 8 quốc gia trong khối - Bulgaria, Cộng hòa Séc, Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Slovenia và Slovakia lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Ukraine.
Về tình hình tại Ukraine
Theo Daily Sabah, Tổng thống Erdoğan đã kêu gọi Nga và Ukraine ngừng bắn "càng sớm càng tốt" vì "hòa bình thế giới".
Ông cũng nhắc lại rằng Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách là quốc gia có lực lượng quân đội lớn thứ hai trong liên minh, ủng hộ sự mở rộng của NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ có chung đường biên giới trên biển với Ukraine và Nga và có quan hệ tốt với cả hai nước này. Hôm 28/2, Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố quyết định đóng cửa các eo biển ở Biển Đen trong thời gian Nga tấn công Ukraine và hạn chế một số tàu Nga di chuyển trên biển Địa Trung Hải.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Kosovo, ông Erdoğan cũng đã thể hiện sự ủng hộ Kosovo gia nhập NATO.
Theo Tổng thống Kosovo Osmani, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Kosovo khi nước này tuyên bố độc lập vào năm 2008, đồng thời nói thêm rằng Ankara có vai trò "rất quan trọng" trong NATO và gửi lời cảm ơn sự ủng hộ của ông Erdoğan.
VietBF @ Sưu tầm