Một cơn bão lửa sánh ngang với thời kỳ tiểu hành tinh Chicxulub đâm vào Trái Đất và gây tuyệt chủng toàn bộ khủng long đã xảy ra vào 12.800 năm trước, chưa kể 1.000 năm băng giá sau đó.
Đó là kết luận từ nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Journal of Geology, thực hiện bởi 24 nhà khoa học từ nhiều quốc gia. Theo tiến sĩ Adrian Melott từ Đại học Kansas (Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu, các dấu ấn địa hóa và đồng vị được đo từ hơn 170 địa điểm trên khắp thế giới đã hé lộ Trái Đất từng bị bốc cháy tới 10%.
Trái Đất từng bốc cháy tới 10% - Ảnh minh họa từ iStock
Nguyên nhân là do một sao chổi khổng lồ bị phân mảnh, nhiều mảnh lao thẳng vào Trái Đất và gây ra bão lửa diện rộng. Cơn bão lửa này không thua kém bão lửa xảy ra khi tiểu hành tinh Chicxulub đâm vào Trái Đất 66 triệu năm trước, gây tuyệt chủng cho toàn bộ khủng long, theo tờ Science Alert.
Nhưng kỳ diệu thay, con người khi đó - chỉ còn lại mỗi loài Homo sapiens chúng ta - tuy chắc chắn thiệt hại lớn về dân số nhưng đã sống sót qua thảm họa.
Chưa kể, sau bão lửa, lượng tro bụi giải phóng vào khí quyển, che chắn ánh mặt trời một thời gian dài đã gây ra một thời kỳ băng hà cực kỳ khắc nghiệt, kéo dài tới 1.000 năm. Hiện tượng này được liên kết với thời kỳ chết chóc Younger Dryas, khiến nhiều loài trên thế giới bị tuyệt chủng.
Kết quả này cũng lý giải được một số bằng chứng khảo cổ kỳ lạ cho thấy thế giới từng hứng chịu "cuộc tấn công ngoài hành tinh", ví dụ như các hình chạm khắc ở Thổ Nhĩ Kỳ được tìm thấy năm 2017, mô tả tác động tàn khốc từ một vật thể đến từ thế giới các vì sao.